Trong những ngày này, tại Tập đoàn Vinashin đã diễn ra những chuyển động mới với nỗ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/11 vừa qua.
"Đại công trường" đóng tàu chở 6.900 ôtô của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Nam Triệu - Ảnh: Chinhphu.vn |
Đổi mới công tác tổ chức, điều hành
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết, thực hiện Đề án tái cấu trúc bước 2, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ tái cơ cấu với thành viên là lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên. Trên cơ sở đó, Tập đoàn thành lập 5 nhóm công tác với các nhiệm vụ được phân giao cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm đôn đốc quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Trước mắt Tập đoàn thực hiện việc rà soát lại công ty mẹ, tổ chức lại các ban tham mưu để hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện. Theo ông Sự, mục tiêu của tái cơ cấu hướng tới việc bảo toàn được vốn và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động ở mức cao nhất.
Với thời gian được giao 3 năm phải hoàn thành tái cơ cấu với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm lỗ, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, tiến tới kinh doanh có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng tập thể cán bộ và người lao động của Vinashin đặt mục tiêu sẽ hoàn thành sớm hơn. Vì vậy, các hoạt động tái cơ cấu bao gồm cổ phần hóa, chuyển giao, bán, giải thể….doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh sản xuất giữ đúng cam kết với khách hàng sẽ được Tập đoàn triển khai đồng bộ, đúng trình tự quy định của pháp luật, ông Sự nhấn mạnh.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu sẽ được triển khai đồng bộ với hoạt động sản xuất nhằm giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín doanh nghiệp đồng thời với việc thu hồi vốn ở mức cao nhất. Việc xây dựng lại các định mức tiêu chuẩn về thời gian, nguyên vật liệu, tổ chức lại sản xuất cũng sẽ sớm được ban hành cụ thể .
Theo kế hoạch trước đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu nhận đóng cho khách hàng Israel tàu chở 6.900 xe ô tô và phải bàn giao cho họ vào cuối năm 2010. Nhưng vì thiếu vốn cộng với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên đến nay con tàu này mới chỉ hoàn thành khoảng 70%. Nếu hủy hợp đồng không những chúng ta phải hoàn lại 60 triệu USD cho khách hàng (chưa kể tiền phạt) mà còn mất cả uy tín, còn nếu vẫn để Nam Triệu làm, với khó khăn hiện nay thì đơn vị này phải mất tới 2 năm nữa mới hoàn thành.
Tình hình này đòi hỏi lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải có cách điều hành sản xuất mới, đó là tập trung một số đơn vị cùng thực hiện theo phương thức mỗi đơn vị tùy theo năng lực, sẽ thực hiện một công đoạn của hợp đồng nhằm rút ngắn thời gian giao hàng và giảm tối đa số lỗ.
Cách điều hành này nhằm tận dụng năng lực tổng hợp của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo hiệu quả sản xuất cao nhất, một cách làm mới thay cho tình trạng “của ai nấy làm” trước đây.
Theo lãnh đạo Vinashin, trước mắt cách thức này sẽ tháo gỡ khó khăn cho bản thân doanh nghiệp đang có hợp đồng nhưng thiếu vốn cũng như cho cả doanh nghiệp có năng lực về vốn và mặt bằng thi công nhưng lại thiếu hợp đồng.
Kết quả là, hợp đồng đóng tàu chở 6.900 ô tô nói trên được tiếp tục thực hiện với Tổng công ty Nam Triệu, Tổng công ty Bạch Đằng, Công ty TNHH 1 thành viên đóng tàu Hạ Long và Tổng công ty Phà Rừng, đều là các đơn vị thành viên Vinashin, đảm nhiệm.
Tàu 34.000 tấn sắp hoàn thành của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Phà Rừng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Những chuyển động mới
Ngày 4/12/2010, một ngày thứ Bảy, cũng là lần thứ hai trở lại với các doanh nghiệp của Vinashin sau khi Đề án tái cơ cấu bước 2 được phê duyệt ( theo Quyết định số 2108 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), chúng tôi nhận thấy một không khí làm việc mới đang diễn ra.
Hoàng Thị Vân Khánh, một cô gái trẻ hiện là Phó Phòng Thiết kế công nghệ của Tổng công ty Nam Triệu cho biết, mặc dù là thứ Bảy nhưng các nhân viên của Phòng vẫn làm việc. Theo chị, có lẽ đây là ngày thứ Bảy đầu tiên bận rộn sau rất nhiều ngày cuối tuần của một năm qua khi mà công việc bị đình đốn. Vân Khánh và đồng nghiệp của chị đang hoàn thiện bản vẽ và xử lý kỹ thuật những điểm phát sinh trong quá trình thi công con tàu chở 6.900 xe ô tô mà chúng tôi nói ở phần trước.
Còn Giám đốc Ban điều hành dự án này, ông Đỗ Thế Quyền cho biết, các thiết bị chính phục vụ thi công con tàu đã về đến công trường. Vì vậy, cán bộ Ban điều hành dự án đã đi làm trở lại thay vì thay nhau nghỉ luân phiên như trước đây.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nam Triệu Nguyễn Văn Toàn cho chúng tôi hay, đơn vị đã dự kiến đủ việc làm cho người lao động trong năm 2011. Tổng công ty sẽ đóng 10 con tàu. Một số khách hàng từ Nhật, Đức, Ukraine đã quay trở lại và mong muốn hợp tác với Tổng công ty đóng loại tàu trọng tải 56.000 tấn, bởi đây là loại tàu khai thác khá hiệu quả.
Ở Công ty TNHH 1 thành viên đóng tàu Hạ Long, ông Nguyễn Đức Thận, Giám đốc Công ty, cho chúng tôi biết, mới đây đơn vị được cấp thêm 405 tỷ đồng vốn điều lệ. Số vốn này đang được sử dụng rất hiệu quả cho 3 sản phẩm tàu container 1.730 TEU, tàu 53.000 tấn HL 14, tàu 53.000 tấn HL15, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến, những con tàu này sẽ sớm được bàn giao cho chủ tàu trong năm 2011.
Mới đây, Công ty đã ký thêm được hợp đồng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đóng 2 con tàu loại tải trọng 47.000 tấn. Hơn thế nữa, một số khách hàng châu Âu đã hủy hợp đồng loại tàu 53.000 tấn trước đây, nay đã quay lại đàm phán để khởi động lại hợp đồng. Chủ tàu Ray của Israel cũng đã sang đàm phán đóng mới 6 tàu chở hàng cho giai đoạn 2011-2015. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho hơn 5.000 cán bộ công nhân viên của Công ty sau giai đoạn khủng hoảng.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com