Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vượt khủng hoảng như Goldman Sachs

Dòng người vào ra trụ sở của Goldman Sachs ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Mặc dù ít chịu nhiều “trầy xước” trong lần khủng hoảng này, “người hùng” Phố Wall Goldman Sachs đã nổi lên như một ngân hàng chống đỡ thành công nhất trước cơn bão tài chính.

Một số tờ báo ở Mỹ gần đây đã gọi Goldman cùng Morgan Stanley là những gương mặt nổi bật trong cuộc chiến chống khủng hoảng ở Phố Wall. Cổ phiếu của Goldman thời gian này đã phục hồi về mức trên 100 USD/cổ phiếu, từ mức khoảng 70 USD/cổ phiếu cách đây 2 tháng, đưa giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn sát mức 47 tỷ USD.

Sự trỗi dậy của Goldman từ những rạn nứt do cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra có thể được xem là một chương rực rỡ nữa trong lịch sử của ngân hàng này. Trong một cuốn sách mang tựa đề “The Partnership” viết về Goldman, tác giả Charles Ellis đã đánh giá Goldman là tập đoàn duy nhất “có những sức mạnh để có thể hoạt động mà không chịu bất kỳ một trở ngại bên ngoài nào, tại gần như bất kỳ thị trường tài chính nào, với những điều kiện, quy mô, thời điểm và đối tác mà Goldman chọn lựa”.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm ở đây, để vượt qua được cơn sóng cả này, Goldman vẫn cần tới một điều kiện cực quan trọng: nhiều tỷ USD hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ.

Đôi lúc, có người gọi Goldman Sachs là… Government (Chính phủ) Sachs vì có rất nhiều nhân vật từng lãnh đạo tập đoàn này đã trở thành quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ, như các cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Robert Rubin hay Henry Paulson. Tuy nhiên, biệt danh trên được sử dụng cho Goldman hiện nay vì một lý do hoàn toàn khác, đó là sự phụ thuộc khá mạnh của Goldman vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

Tính ra, những khoản hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp mà Chính phủ Mỹ dùng tiền thuế của dân để bơm cho Goldman trong mấy tháng gần đây đã lên tới hàng chục tỷ USD. Như vậy, có thể nói, nhà vô địch trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Mỹ đã trở thành một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong các chương trình bơm vốn của Chính phủ nước này.

Tháng 9 năm ngoái, sau vụ phá sản của “anh bạn” Lehman Brothers, Goldman đã bất ngờ chuyển đổi mô hình từ một ngân hàng đầu tư nằm ngoài vùng phủ sóng của các quy chế giám sát thành một tập đoàn ngân hàng tổng hợp để có thể nhận tiền gửi tiết kiệm. Giống như các ngân hàng khác, Goldman đã tham gia vào chương trình giải trừ nợ xấu (TARP) 700 tỷ USD do chính quyền của cựu Tổng thống Bush khởi xướng.

Vào ngày 28/10/2008, Goldman đã bán 10 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi cho Chính phủ Mỹ, với mức cổ tức 5% trong thời gian tới năm 2013. Từ sau năm 1913, mức cổ tức này sẽ được tăng lên 9%. Như những tập đoàn tham gia TARP khác, Goldman được nhận vốn với những điều kiện khá dễ dàng.

Chỉ một tháng sau, Goldman lại huy động được thêm 5 tỷ USD từ tỷ phú Warren Buffett bằng cách bán cho nhà đầu tư huyền thoại này lượng cổ phiếu ưu đãi có mức cổ tức 10%. Cùng thời gian này, Goldman lại huy động được thêm 10 tỷ USD từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Điều đáng nói ở đây là, Goldman phải trả cho Buffett mức lãi suất 10% để huy động được 5 tỷ USD, nhưng chỉ phải trả cho Chính phủ 5% để có được 10 tỷ USD. Nói cách khác, nhận được tiền viện trợ của Chính phủ đồng nghĩa với việc Goldman tiết kiệm được 500 triệu USD tiền cổ tức mỗi năm.

Thời gian gần đây, Giám đốc tài chính của Goldman là David Viniar đã gây chú ý khi mạnh miệng tuyên bố Goldman sẽ sớm trả lại tiền cứu trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, cho tới giờ phút này, Goldman vẫn chưa có một động thái nào để thực hiện tuyên bố trên!

Chưa hết, cuối năm ngoái, do lo ngại các tập đoàn tài chính chỉ có thể huy động vốn bằng con đường bán nợ với lãi suất cao cho các nhà đầu tư như Buffett, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã thiết lập một chương trình nhằm bảo lãnh nợ mới do các ngân hàng phát hành.

Nhiều ngân hàng không nhận thấy sự cần thiết phải tham gia chương trình này. Nhưng Goldman thì không từ chối. Tháng 11/2008, Goldman là tập đoàn đầu tiên tham gia vào chương trình trên, và phát hành 5 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất khoảng 3,4%. Vào ngày 12/3, Goldman phát hành thêm được 5 tỷ USD trái phiếu nữa theo chương trình này.

Goldman cho hay, gộp chung, họ đã bán được khoảng 21 tỷ USD dưới sự bảo lãnh của FDIC. Nhờ sự bảo lãnh này và cách tính toán khôn ngoan mà Goldman đã tiết kiệm được thêm hàng trăm triệu USD tiền trả lãi nữa mỗi năm.

Không chỉ có vậy, một phần đáng kể trong khoản cứu trợ 180 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ dành cho hãng bảo hiểm AIG đã được sang tay cho các tập đoàn tài chính khác, trong đó có cả Goldman. Bộ phận cho vay chứng khoán của AIG đã trả cho Goldman 4,8 tỷ USD, bộ phận Maiden Lane III của AIG trả cho Goldman 5,6 tỷ USD, và AIG còn trả thêm cho Goldman 2,5 tỷ USD tiền ký quỹ.

Như nhiều tập đoàn khác, Goldman đã mắc hai sai lầm trong việc làm ăn với AIG. Thứ nhất, họ đã mua bảo hiểm của một hãng bảo hiểm bị đẩy tới bờ vực đổ vỡ, và thứ hai, họ đã vay và cho vay chứng khoán đối với một đối tác thiếu tí nữa thì phá sản. Theo luật phá sản Mỹ, trong những vụ phá sản thông thường, các chủ nợ phải xếp hàng đợi đến lượt để được nhận một phần nhỏ của khoản nợ. Tuy nhiên, do Chính phủ Mỹ không để AIG phá sản, nên Goldman và các chủ nợ khác may mắn bảo toàn được vốn.

Có thể Goldman vẫn là một tập đoàn nổi bật trong ngành tài chính Mỹ. Nhưng nếu không có những khoản cứu trợ kia của Chính phủ Mỹ, ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra với Goldman?

(Theo VnEconomy / Newsweek)

  • Volkswagen đặt mục tiêu vượt qua Toyota vào 2018
  • Liên doanh với Nga lập xưởng gỗ và xưởng may
  • Bình Dương khánh thành nhà máy nước giải khát
  • Ngổn ngang trước ngày vận hành
  • Hợp đồng Coca Cola-Huiyuan 2,3 tỷ USD tan vỡ
  • Opel có thể 'biến mất' khỏi nước Đức
  • Vitaly: Phía sau lời cảnh báo
  • Roche nắm quyền kiểm soát Genentech
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao