Theo các kết quả nghiên cứu thì nhà doanh nghiệp đều có những nét giống nhau thúc đẩy họ khởi nghiệp. Họ là những người có viễn kiến, quyết tâm và đầy lòng tự tin cũng như biết uyển chuyễn theo tình huống. Lòng đam mê đã giúp họ vượt qua những trở ngại.
Một trong những trường hợp điển hình là nhà doanh nghiệp Richard Branson. Trong 35 năm nay, doanh nhân người Anh này đã không ngừng xây dựng thương hiệu Virgin của ông trở thành một tên tuổi toàn cầu. Và ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Vậy mà khi còn nhỏ, ông Branson bị một chứng tật bẩm sinh là 'bệnh khó đọc'. Ông không hề học đại học. Nhưng ông được thôi thúc bởi ý nghĩ là phải thành công. Ông nhắc lại thời gian ông đi học như sau.
Ông Branson nói: "Lúc còn đi học, tôi nhìn một số bài thi mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng không có ý niệm gì về chúng. Và tôi thực sự rời ghế nhà trường lúc 15 tuổi để bước vào đời, làm một cái nghề lương thiện nào đó để sống."
Khi còn là một thiếu niên, ông bị thất bại 2 lần trong kinh doanh. Tuy nhiên sau đó ông đã lập ra mấy mươi doanh nghiệp và đều gặt hái thành công lớn.
Một trường hợp tiêu biểu về tinh thần doanh nhân ở châu Á là ông Sunil Mittal, một nhà doanh nghiệp Ấn Độ đã vượt qua nhiều khó khăn để thành đạt. Ông kể lại về thời gian khởi nghiệp của ông như sau.
Ông Mittal nói: "Tôi lớn lên ở Ấn Độ, nơi tiêm nhiễm chủ nghĩa xã hội tận gốc. Chúng tôi đã chứng kiến quy trình tiến hóa của mô hình kinh tế theo kiểu Xô Viết được áp đặt mạnh ở Ấn Độ."
Ông Mittal nói rằng chỉ sau khi chế độ kinh tế kế hoạch tập trung, hay kinh tế chỉ huy, kết thúc sau năm 1992, nhóm kinh doanh Bharti của ông mới có cơ hội phát triển thành một tập đoàn lớn vào hàng thứ nhì ở Ấn Độ.
Ông Bharti nói: "Với 35 triệu đô la mà tôi có thể sử dụng, chúng tôi đã đẩy mạnh việc xây dựng công ty viễn thông lớn nhất Ấn Độ."
Hiện nay công ty viễn thông Bharti Airtel có 30,000 nhân viên.
Ông Brent Goldfarb, giáo sư môn kinh doanh tại Đại học Maryland ở Hoa Kỳ, nói rằng có rất nhiều người phấn đấu để trở thành nhà doanh nghiệp, có người chỉ kiếm vừa đủ sống, có người thì trở nên giàu có.
Ông Goldfarb nói: "Mặt thật của vấn đề là phần lớn các nhà doanh nghiệp không làm giàu. Và thực ra thì thu nhập của đa số các nhà doanh nghiệp còn ít hơn là nếu họ làm việc cho người khác."
Ông Ashar Hafeez, một doanh nhân người Pakistan, lần đầu tiên mở nhà hàng bán thức ăn Ấn Độ là vào năm 1993. Ông rất yêu thích nghề thương mại và rất chịu khó làm việc.
Ông Hafeez nói: "Bất cứ khía cạnh nào của công việc, chúng ta đều phải hết sức chịu khó. Chịu khó không phải là chuyện dễ dàng. Và chúng ta làm việc theo tình thần đồng đội, chứ không thể làm một mình được. Anh phải có một nhóm có tinh thần rất hợp tác với nhau mới làm việc được."
Bà Suhela Kakil Raza, một nhà doanh nghiệp người Kurd ở Iraq là mẹ của 4 đứa con. Cách đây một năm bà bắt tay vào việc mở tiệm may quần áo phụ nữ. Và bà đã phải vượt qua nhiều trở ngại mới thực hiện được việc này.
Trong thành phố Irbil của bà, bà phải làm thế nào tìm được một địa điểm không có đàn ông thường xuyên qua lại để mở cửa hàng, vì như vậy thì các nữ khách hàng người Hồi giáo Sunni mới chịu đến may quần áo.
Hiện giờ thì cửa hàng của bà đã mướn 4 nhân viên và bà muốn phát triển thêm.
Bà Raza nói: "Tôi mong muốn có một xưởng may riêng. Kế hoạch gồm 2 phần, trước nhất là có 12 chiếc máy may và 12 cô thợ. Đồng thời tôi muốn có một trường dạy các cô về nghề này."
Ông Mthuli Ncube, Giám đốc Viện Kinh doanh thuộc Đại học Witwatersrand, ở thành phố Johannesburg của Nam Phi nhận định về tinh thần doanh nhân ở Châu Phi như sau.
Châu Phi thiếu những doanh nhân với tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, ông Richard Maponya, một nhà doanh nghiệp da đến nổi tiếng nhất của Nam Phi là người đã không ngừng chấp nhân rủi ro để xây dựng lên một vương quốc bán lẻ và mua bán bất động sản ở châu lục này.
Thậm chí ông đã dấn thân trong lãnh vực này ngay trong thời kỳ Nam Phi còn dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Giờ đây đã ngoài 80 tuổi, ông Maponya mới đây đã mở một khu thương xá vĩ đại ở ngoại ô Soweto của Johannesburg.
Theo Donald Trump, một doanh nhân Mỹ gặt hái thành công lớn trong ngành phát triển địa ốc thì các nhà doanh nghiệp cần phải có sự đam mê, có tinh thần bền bỉ, nghĩ đến việc lớn, nắm bắt những thông tin mới, biến nó thành hành động, biết cách thương lượng và thích thú với sự cạnh tranh.
( Theo VOA )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com