Tàu bị lưu giữ không chỉ gây thiệt hại về tài chính và uy tín của từng chủ tàu mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín đội tàu VN (ảnh: Tàu Phúc Hải 05 đang bị giữ tại Indonesia) |
Theo thống kê của ngành hàng hài VN, VN là nước đứng thứ năm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về số tàu biển bị giữ tại nước ngoài. Điều đáng nói, đến thời điểm này, các DN Việt vẫn đang phải chống chọi một cách vô vọng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tàu biển VN bị giữ tại nước ngoài như: chất lượng tàu không bảo đảm, thiếu kinh nghiệm điều hành và rắc rối về pháp lý, tài chính. Đa phần tàu bị giữ là những con tàu cũ, được các Cty vận tải biển mua lại nên thiết bị không bảo đảm trong thời gian đi biển dài ngày.
DN liên tục bị giữ
Nếu như Cty Quang Trường năm 2010, bị giữ tàu tại Bangladesh do nợ tiền Đại lý hàng hải và cơ bản được giải quyết thì vụ việc của Cty TNHH Phúc Hải lại đang vướng mắc, nhất là trường hợp tàu Phúc Hải SUN.
Ông giám đốc Cty TNHH Phúc Hải - Đỗ Xuân Chiến cho biết, sau nhiều lần vay nợ, đến nay Cty ông không đủ khả năng để chi trả cho các thuyền viên trên tàu cũng như theo đuổi vụ kiện với Trade Venture (Cty Trade Venture Invesment LTD, đảo Virgin của Anh), vì vậy, có thể 27 thuyền viên tại Nigeria đang gặp nguy hiểm... Cũng lưu ý rằng Cty TNHH Phúc Hải có 4 tàu thì cả 4 tàu bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ, cụ thể: tàu Phúc Hải 05 bị giữ tại Indonesia, tàu Phúc Hải MOON bị giữ tại Myanma, tàu Phúc Hải SUN bị giữ tại Nigeria, còn tàu Phúc Hải Star rất vất vả mới đưa được về nước vào trưa 27/6/2011.
Theo đại diện Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Hải Phòng, tàu Phúc Hải SUN bị giữ do Cty này nợ hơn 600.000 USD tiền đặt cọc của đối tác mua tàu Phúc Hải MOON là Cty Trade Venture Invesment LTD. Tuy nhiên, tàu từ Ấn Độ về để giao thì gặp bão, mắc cạn tại Myanma. Không lấy được tàu cũng như tiền đặt cọc, Trade Venture đã khởi kiện và đề nghị tòa thượng thẩm tại Lagos (Nigeria) giữ tàu Phúc Hải SUN với mục đích phong tỏa tài sản. Tàu Sun bị giữ tại cảng Lagos ngày 15/1/2010, trên tàu có 27 thuyền viên.
Ông Bùi Thành - Phó cục trưởng Cục Lãnh sự kiêm giám đốc Quỹ bảo hộ công dân (Bộ Ngoại giao) cho biết: khi cho lương thực thuyền viên trên tàu Phúc Hải 05 thì thứ họ cần là mấy két bia và vài chai rượu chứ không phải là ngũ cốc hay thực phẩm. Điều mà các thuyền viên cần là tiền lương do Cty đang nợ họ. Đây là yêu cầu hoàn toàn chính đáng của các thuyền viên về quyền lợi của mình và nếu năng lực tài chính của Cty TNHH Phúc Hải ổn thì đã không xảy ra những rắc rối vừa qua...
Giải pháp nào ?
Để không còn xảy ra những trường hợp “mắc kẹt” tại các cảng trên khắp thế giới các DN nhỏ vận tải biển phải có những chuyên gia tư vấn về pháp lý. Đây là việc hết sức cần thiết, vì khi DN có tàu thường xuyên đi nước ngoài, nhiều chủ tàu cho rằng, cứ tuân thủ các điều kiện về hàng hải quốc tế là xong. Thế nhưng khi đến với mỗi nước, luật pháp quy định khác nhau... vì vậy cần có luật sư sẵn sàng đảm nhiệm tư vấn pháp luật cho tàu. Đối với thuyền viên, DN cần chăm lo cho cuộc sống của mỗi người... Giải quyết hài hòa mối quan hệ, quyền lợi giữa DN và thuyền viên sẽ khiến DN vận tải biển vững mạnh thêm, có đội ngũ thuyền viên gắn bó lâu dài.
Ngoài ra, cần phải khắc phục các rắc rối về tài chính giữa chủ tàu- bên thuê - chủ hàng để được giải quyết ổn thỏa trong những trường hợp tranh chấp mà việc giữ tàu là phương án đầu tiên. Ví dụ như, Trường hợp tàu Global (Vinalines) bị giữ và phạt nặng tại Trung Quốc - Tàu hàng lớn nhất VN này được Vinalines cho đối tác Ấn Độ thuê trọn gói theo hợp đồng định hạn. Do đối tác thuê tàu chưa trả tiền cước nên chi nhánh Vinalines TP HCM - đơn vị trực tiếp cho thuê tàu ra thông báo giữ hàng lại trên tàu. Nhưng hàng hóa trên tàu lại thuộc sở hữu của bên thứ 3, do đó, tòa án Trung Quốc cho rằng, việc Vinalines giữ hàng là sai, phải bồi thường cho chủ hàng 800.000 USD.
Một việc cần lưu ý nữa là: tàu VN đang nằm trong “danh sách hạn chế khiếm khuyết” ở một số cảng trên thế giới khiến các chủ tàu phải dùng cờ của nước ngoài, nên khi xảy ra vụ việc, rất khó giải quyết. Như trường hợp tàu Phúc Hải SUN, tuy là tàu VN nhưng lại treo cờ Panama.
Hiện đã có 9 thỏa ước hợp tác khu vực giữa các chính quyền cảng, bao trùm hầu hết các cảng biển toàn thế giới với mục tiêu "thắt chặt lưới vây" đối với các tàu dưới tiêu chuẩn. Một số tổ chức như Ủy ban chính quyền cảng của Tokyo MOU, Paris MOU đã tuyên bố, không cho phép những con tàu dưới tiêu chuẩn ghé vào bất cứ cảng nào của họ.
Tàu bị lưu giữ không chỉ gây thiệt hại về tài chính và uy tín của từng chủ tàu mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín đội tàu VN, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hải quốc tế. Để hạn chế tình trạng báo động trên, Cục Đăng kiểm VN đã tăng cường kiểm tra các tàu biển quốc tế, thanh tra tất cả các con tàu treo cờ VN... giúp cho chủ tàu loại bỏ các khiếm khuyết tiềm ẩn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quản lý đó mới làm được phần ngọn, còn phần gốc là các chủ tàu đầu tư như thế nào cho chất lượng con tàu của mình thì xem ra vẫn chưa có câu trả lời.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com