Tại TP Hồ Chí Minh, thép thanh vằn D 14 của ASC đang cạnh tranh mạnh với sản phẩm thép nhãn hiệu “V” của VNSTEEL.
Theo ông Đào Đình Đông, Trưởng phòng thị trường của VNSTEEL, lý do thép thanh vằn của ASC có sức cạnh tranh do giá thấp (10,4 - 10,8 triệu đồng/tấn). Mức giá này trung bình thấp hơn 200 - 300 nghìn đồng/tấn, khá hấp dẫn đối với người tiêu dùng nói chung. Sở dĩ thép ASC có giá thấp vì đây là “thép âm, thép gầy” (không đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, đường kính). Nhưng quan trọng nhất, dấu hiệu trên cây thép của ASC khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn là lô-gô của VNSTEEL.
|
Logo VNSTEEL. |
Công ty Thép Đông Nam Á có đơn đăng ký nhãn hiệu đến Cục Sở hữu trí tuệ số 4-2008-27389 nộp ngày 26-12-2008 với nhãn hiệu xin đăng ký là “‘A’ ASEAN STEEL J.S.C – Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á – Gửi trọn niềm tin!”. Phần hình chữ “A” của ASC dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “VNSTEEL và hình”.
Cho đến nay, có thể Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á chưa được sự chấp thuận của Cục Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu này, nhưng đã chính thức sử dụng hình ảnh tương tự lô-gô VNSTEEL để triển khai công tác thương hiệu trên mọi hình thức: bảng hiệu, cờ, nhà xưởng, mũ nón, hóa đơn, chứng từ giao dịch,…
Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, được sự ủy quyền của VNSTEEL đã có đơn phản đối gửi Cục Sở hữu trí tuệ, nêu rõ: Về thiết kế, phần hình chữ “A” của ASC trong nhãn hiệu xin đăng ký theo đơn tương tự với phần hình chữ “V” trong nhãn hiệu của VNSTEEL đã được bảo hộ, đều là hình một tam giác cách điệu được tạo bởi các đường gấp khúc. Về màu sắc, phần hình chữ “A” trong nhãn hiệu xin đăng ký có cùng màu đỏ giống với phần hình chữ “V” trên nhãn hiệu của VNSTEEL.
|
Nhãn hiệu chữ "A" của Công ty cổ phần Thép ASEAN đã được sử dụng ở một số công trình xây dựng nhằm triển khai công tác thương hiệu. |
Các nhãn hiệu được đề cập đều đăng ký và sử dụng cho các sản phẩm “thép” thuộc nhóm 06, cùng loại cho nên có cùng kênh tiêu thụ và đối tượng khách hàng giống nhau.
Việc sử dụng dấu hiệu chữ “A” tương tự với phần hình chữ “V” đã được bảo hộ, được coi là hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của VNSTEEL theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và điểm a, khoản 3, Điều 11, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.
Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam đã có kiến nghị tới Cục Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa nhận được trả lời chính thức từ cơ quan này. Từ vụ việc thép ASC có dấu hiệu vi phạm thương hiệu VNSTEEL, cho thấy đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần phải có biện pháp quản lý và siết chặt về việc chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa có đặc thù tương tự nhau cho những chủng loại sản phẩm giống nhau.