Mánh khoé của tội phạm rửa tiền là dùng “tiền bẩn” mở tài khoản ở ngân hàng. Ảnh: H.N |
Kỳ II: Những chiêu “hoá phép” tiền bẩn!
Theo mô tả của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hoạt động rửa tiền phổ biến trên thế giới thường tiến hành theo 3 bước chính.
ở giai đoạn đầu tiên, các đối tượng sẽ đưa tiền do hoạt động phạm pháp mà có vào các định chế tài chính. Thủ đoạn phổ biến để tránh bị phát hiện là thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia các khoản “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định.
Trong giai đoạn tiếp theo, tiền được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Thực chất đây là quy trình tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy các nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu.
Và giai đoạn cuối là “gột” số tiền đó bằng cách đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Để thực hiện trót lọt quá trình này, ông Kevin Whelan, chuyên gia tài chính Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền đan xen với các nguồn tiền hợp pháp và chuyển qua lại giữa các hoạt động kinh doanh bằng nhiều tài khoản khác nhau, hoặc giữa tài khoản trong nước với tài khoản nước ngoài.
Những giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rửa tiền sẽ có các biểu hiện như: đột ngột chuyển tiền với số lượng lớn, thường xuyên chuyển tiền ra nước ngoài, tiền gửi đến người nhận không có quan hệ cá nhân, thực hiện chuyển tiền tại nhiều chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh biên giới...
Các chuyên gia tài chính đánh giá, ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng của chúng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn, mà còn vì một khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, sẽ nhanh chóng được công nhận như một khoản tiền sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng.
Hoạt động chuyển tiền giữa các ngân hàng có thể không thuộc phạm vi báo cáo nghi vấn rửa tiền, do vậy các nhân viên ngân hàng bị mua chuộc tạo điều kiện dễ dàng hơn để che đậy việc chuyển những khoản tiền lớn bất hợp pháp giữa các tài khoản với nhau. Ngân hàng Thuỵ Sỹ được xem là thiên đường của tội phạm rửa tiền vì ở đây có chất lượng dịch vụ tốt và nổi tiếng về nguyên tắc tôn trọng bí mật khách hàng.
Trong khoá học về của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo ASEAN - Mỹ (USAID) cho các chuyên gia phòng chống tiền giả của Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông David Meisner, chuyên gia Cục Kiểm soát tài chính (Bộ Tài chính Mỹ), đã “phác hoạ” việc rửa tiền qua thương mại quốc tế bằng cách khai tăng hoặc giảm giá trị hàng hóa.
Ông David Meisner lấy ví dụ: giả sử công ty A (nhà xuất khẩu) bán 1 triệu con ốc vít với giá 2 USD/con cho công ty B (nhà nhập khẩu), nhưng công ty A khai báo đơn giá chỉ 1 USD/con ốc vít. Công ty B thanh toán tiền mua hàng 1 triệu USD, sau đó bán 1 triệu con ốc vít ra thị trường thu về 2 triệu USD. Qua việc khai giảm giá trị hàng hóa và ngược lại, 2 công ty A và B đều rửa sạch 1 triệu USD.
Một “chiêu thức” khác là, đối tượng rửa tiền có thể gửi hàng nhiều hơn hoặc ít đi so với khai báo. Ví dụ, công ty A bán cho công ty B 1 triệu con ốc vít với giá 2 USD/con ốc vít, nhưng gửi tăng lên 1,5 triệu con. Công ty B chỉ trả tiền mua 1 triệu con ốc vít là 2 triệu USD, rồi bán 1,5 triệu con ốc vít ra thị trường, thu về 3 triệu USD. Số tiền chênh lệch 1 triệu USD đã được hai bên hợp pháp hóa. Với tình huống ngược lại, công ty A và B cũng hợp pháp hóa được 1 triệu USD.
Trong lĩnh vực đầu tư, số tiền bất hợp pháp thường được đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, sòng bạc, sàn nhảy, khu du lịch... và thậm chí là công ty ma. Sau đó, các đối tượng rửa tiền sẽ báo cáo lợi nhuận qua các hóa đơn chứng từ khống, từ đó “tiền bẩn” nghiễm nhiên trở thành đồng tiền hợp pháp có được do công sức lao động.
Theo tổng kết của Cơ quan Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), những năm gần đây, xu hướng rửa tiền qua mạng Internet có xu hướng tăng nhanh. Tội phạm mạng có khá nhiều mánh khóe để rửa tiền hoặc tẩu tán “chiến lợi phẩm” trên Internet. FATF cho biết, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, như PayPal (Mỹ) hay Neteller (Anh) thực sự rất có ích với những ai muốn mua bán qua Internet, nhưng thông qua mạng Internet, các giao dịch này có điểm yếu là để lộ thông tin tài chính của những người tham gia.
Để khắc phục điểm yếu đó, các đối tượng phạm pháp tạo điều kiện để khách hàng giao dịch ẩn danh và như vậy, các giao dịch sẽ không để lại dấu vết như trên giấy tờ.
Các chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (Bộ Công an) cũng cho rằng, việc rửa tiền qua chứng khoán là việc rất dễ dàng, do đặc thù của chứng khoán là mọi người đều có quyền mua đi bán lại cổ phiếu và tái đầu tư trong khi giá cổ phiếu lại lên xuống thất thường.
Rửa tiền qua đánh bạc chính là phương pháp rửa tiền nhanh nhất, như trong một số vụ án thời gian qua đã bị phanh phui. Trước đây, Công an Việt Nam phối hợp với phía Canada điều tra trùm cá độ bóng đá Ngô Tiến Dũng (tức Lai Thành Hữu, Dũng “Kiều”) có dấu hiệu mang hàng chục triệu USD từ nước ngoài về “rửa tiền” ở Việt Nam
Ngô Tiến Dũng được xác định là người cầm đầu đường dây cá độ bóng đá cực lớn, với số tiền luân chuyển 1-2 triệu USD mỗi đêm. Vụ việc này cho thấy, mánh khoé của tội phạm rửa tiền là dùng “tiền bẩn” mở tài khoản ở ngân hàng, sau đó chúng sẽ dùng số tiền đó rót vào những trận cá độ bóng đá trên mạng. Nếu thắng, tiền thưởng sẽ được thanh toán vào một tài khoản hợp pháp khác.
(Theo Hữu Tuấn - Huy Hào // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com