Hình thức mua bán hàng trên mạng hiện nay đã rất phổ biến. Tại các trang web mua bán như muare.vn, enbac.vn, raovat123.com, 5giay.vn, raovatdtdd.com, 1001shoppings.com... thường có lượng truy cập rất cao. Bên cạnh những ưu điểm, loại hình mua bán này cũng đang đẩy không ít người mua cả tin, thiếu kinh nghiệm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Bán hàng như lừa đảo
Mới đây, anh Nguyễn Vi Nhân (6 Hồ Tùng Mậu, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khiếu nại về việc mua nhầm ĐTDĐ “dỏm”. Theo anh Nhân, ngày 10-9, anh vào mục rao vặt của một trang web thấy một cửa hàng ở đường 3 Tháng 2, quận 10 - TPHCM bán ĐTDĐ nguyên hộp từ Singapore.
Anh quyết định mua điện thoại hiệu Nokia N96 giá 2,5 triệu đồng. Ngày 15-9, qua đường chuyển phát nhanh, anh Nhân nhận một chiếc điện thoại Trung Quốc đã trầy xước, không có hộp, không giấy bảo hành, không thẻ nhớ và không có pin tặng như quảng cáo, bật nguồn thì máy không hoạt động.
Anh Nhân yêu cầu đổi điện thoại khác. Mất hơn một tháng chờ đợi và nhiều lần gọi điện hối thúc, ngày 19-10, anh nhận được chiếc điện thoại N96 cũng là hàng Trung Quốc không có thẻ nhớ, trên thân máy có một chỗ bị mẻ, máy thường xuyên bị mất nguồn.
Không sử dụng được, anh Nhân gửi trả điện thoại và đề nghị cửa hàng hoàn trả tiền nhưng cửa hàng đổ trách nhiệm cho anh làm mẻ điện thoại, chỉ trả anh 1,5 triệu đồng. “Tự nhiên tôi mất trắng 1 triệu đồng. Điện thoại đã trả về tay họ từ lâu nhưng đến giờ họ vẫn chưa trả lại tiền, gọi đến nơi bán máy hỏi thì nhân viên ở đây cứ đùn đẩy cho nhau” – anh Nhân bức xúc.
Một anh bạn là kỹ sư điện tử kể do muốn mua điện thoại Nokia E71 nên anh vào trang web raovatdtdd.com tham khảo. Gọi điện cho chủ một gian hàng hỏi rất kỹ về máy và đồng ý mua giá 4 triệu đồng với điều kiện cho kiểm tra máy. Người bán hẹn gặp tại Nhà hát Hòa Bình, mang theo điện thoại đúng là mới 100% + thẻ bảo hành hơn 10 tháng.
Tuy nhiên, khi bật nguồn kiểm tra, anh phát hiện là hàng “đểu” nên giả vờ đề nghị đến quán cà phê có wifi để thử máy nhưng người bán viện cớ là bận đi học và bỏ đi. Mấy hôm sau, anh lại vào raovatdtdd.com, gọi cho một cô bán máy tựnhận là sinh viên một trường đại học.
Cô ta hẹn đến trước cổng Trường ĐH Bách khoa TPHCM để xem máy. Đến nơi, anh gọi điện thoại thì được trả lời “em đang bận học nên nhờ anh trai mang ĐTDĐ đến”. Thật trùng hợp, anh trai đó chính là người đã bán hụt cho anh điện thoại Nokia E71 ở Nhà hát Hòa Bình hôm nọ!
Lên đời từ hàng “độc” giá bèo
Không chỉ ĐTDĐ mà tình trạng bán quần áo thời trang, giày dép, mỹ phẩm... kém chất lượng tồn tại khá nhiều ở các shop trực tuyến. Hoàng Long, chủ một website cá nhân bán hàng qua mạng nay đã “giải nghệ”, bật mí: Hàng bán online thường vô giá và lợi nhuận rất cao.
Không kể đến yếu tố bán hàng online không phải tốn phí mặt bằng, phí quản lý, thuế... nên giá cả thấp hơn ngoài thị trường 5% - 20%, rất nhiều mặt hàng (nhất là hàng dành cho tuổi teen), người bán tha hồ hét giá “trên trời dưới đất” mà không ai kiểm soát. “Chỉ cần chịu khó lùng tìm hàng độc, quảng cáo thật hay là khách mua ào ào.
Mấy mẫu quảng cáo kem tắm trắng, kem dưỡng da... bán trên mạng giá 80.000 đồng- 99.000 đồng/tuýp thực chất đang bán đầy ở chợ Thiếc, quận 5 - TPHCM giá chỉ 14.000 đồng – 15.000 đồng/tuýp. Những người bán hàng trên mạng mua về gỡ bỏ bao bì, hướng dẫn sử dụng (thường là hàng Thái, Trung Quốc) rồi tự bịa ra hướng dẫn sử dụng mới. Hay như băng đô cài tóc, ở chợ Thiếc, chợ Bình Tây chỉ 20.000 đồng/cái nhưng lên mạng thì đến 80.000 đồng – 90.000 đồng/cái...” - anh Hoàng Long cho hay.
Theo giới săn hàng online, hàng online chỉ thật sự rẻ đối với những người am hiểu về mặt hàng và có kinh nghiệm mua hàng (nhất là hàng điện tử). Riêng đối với các loại trang sức, quần áo, giày dép... có giá vài trăm ngàn đồng trở xuống, hầu như “luật bất thành văn” là hễ đặt hàng thì phải mua. Món hàng giá trị thấp, người bán giao tận nơi nên dù không giống hàng mẫu, không ưng ý, khách cũng miễn cưỡng nhận và ai đi chợ trên mạng đều bị một - hai lần mua nhầm hàng “đểu”.
Mua máy mới, nhận hàng tân trang Ngày 26-11, anh Nguyễn Vĩnh Nghi (quận 3 – TPHCM) phản ánh đến Báo NLĐ về việc anh mua máy tính xách tay qua mạng nhưng nơi bán lại giao hàng tân trang. Anh Nghi kể: Cách đây một tháng, anh truy cập vào trang web www.maytinhxachtay.com và thấy rao bán máy tính xách tay HP DV4 – 1435DX mới 100% rẻ hơn giá thị trường khoảng 300.000 đồng/máy. Cũng cần thông tin thêm, anh Nghi không phải là trường hợp duy nhất mua máy mới nhưng phải nhận hàng tân trang mà trên một số diễn đàn liên quan đến chất lượng máy vi tính, cũng có nhiều khách hàng từng gặp. |
(Theo THANH NHÂN // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com