Công nhân sửa sang lại nội thất tầng 1 của ngôi nhà 73 Tràng Thi (Hà Nội), vốn từng là trụ sở của Công ty TNHH Agel VN (ảnh chụp chiều 3-7). Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Trong khi sự kiện Công ty Agel VN (Hà Nội), chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng đa cấp, rút khỏi VN khiến nhiều người trắng tay, chưa giải quyết xong thì tại TP.HCM, một “chân rết” của công ty này lại xuất hiện và lượng người tham gia mạng lưới đang tăng lên từng ngày.
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều “đầu line”, tức những người bán hàng nhiều nhất cho Agel VN đã chuyển sang Qivana VN, một công ty cũng kinh doanh thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp. Thậm chí thực tế đang có mạng lưới chân rết cực kỳ tinh vi để kinh doanh thực phẩm chức năng đa cấp ở VN.
Nổi như cồn và lặn mất tăm
Bắt đầu xuất hiện tại VN từ giữa năm 2008, Agel VN nhanh chóng nổi lên như một trong những nhãn hàng kinh doanh đa cấp thành công, nhất là ở thời điểm những sản phẩm đa cấp - cũng là các thực phẩm chức năng - xuất hiện sớm hơn phần nào bị người tiêu dùng tẩy chay. Trên nhiều diễn đàn, người ta đã coi Agel như mạng lưới kinh doanh đa cấp số 1 ở VN.
Mặc dù giá bán lẻ một hộp hàng của Agel lên đến 1.250.000-1.500.000 đồng nhưng vẫn có rất nhiều người sẵn sàng bỏ 5.300.000 đồng để mua bốn hộp sản phẩm giá sỉ - theo cách gọi của mạng lưới là “mua một trung tâm kinh doanh”. Còn nếu muốn mua ba “trung tâm kinh doanh” phải bỏ ra 20.300.000 đồng để mua 16 hộp sản phẩm.
Ông T.H.V., người nhận là đại lý của Agel ở khu vực phía Nam, cho hay do đây là hình thức kinh doanh đa cấp, đại lý trước hưởng lợi từ tiền mua hàng của đại lý sau nên càng “dụ” thêm được nhiều thành viên, những người đầu nhánh lại càng được hưởng lợi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Agel VN ký hợp đồng thuê nhà 73 Tràng Thi (Hà Nội) làm trụ sở từ cuối năm 2008. Tuy nhiên đến tháng 2-2011, Công ty Agel đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ sau một đêm đã thu dọn toàn bộ đồ đạc tại ngôi nhà rồi “biến mất” đến tận bây giờ.
Theo ông V., mấy tháng nay sau khi Agel tuyên bố rút khỏi thị trường VN, những đại lý cỡ nhỏ đã không nhận được hoa hồng, thậm chí không nhận được cả hàng hóa mà mình đã bỏ tiền ra mua.
Bà Chu Thị Mỹ Hương, một “đầu line” (thủ lĩnh) có 23.000 thành viên, cho biết có 200-300 thành viên trong nhóm bị thiệt hại do đã nộp tiền trước mà chưa nhận được hàng, trong đó người ít nhất 15 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều “đầu line” khác như bà T.H., bà Th.H.... với số lượng người bị hại lên đến hàng trăm người.
Mạng nhện đa cấp
Ngay sau khi dừng hoạt động, nhiều “đầu line” đã chuyển sang Qivana VN. Thủ lĩnh mới của Qivana VN chính là bà Hoàng Hải Yến, giám đốc Công ty Agel VN, được giới sành điệu Hà Nội biết đến với nghệ danh Yến Trang, từng tạo mẫu tóc cho các thí sinh tham gia Sao Mai điểm hẹn 2004 và 2006, từ năm 2008 chuyển sang làm “thủ lĩnh” hệ thống kinh doanh thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp Agel và giờ đây là Qivana.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Qivana VN đăng ký trụ sở ở TP.HCM, đang kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm chức năng, như Qore Probiotic, một dạng “men tiêu hóa” nhưng ở đây được định danh là thực phẩm hỗ trợ bệnh đường ruột, tiêu hóa, giá tới 672.000 đồng/hộp; Qivana Qore Detox - có tên rất kêu là thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh đại tràng - giá 1.050.000 đồng/hộp; Qivana Qore Defense được cho là hỗ trợ phòng bệnh, tăng sức đề kháng giá, 1.197.000 đồng/hộp.
Đặc biệt Qivana VN có chính sách giống hệt Agel trước đây, nghĩa là hối thúc đại lý bỏ tiền ra ôm hàng ngay từ khi chưa biết rõ về sản phẩm.
Trong khi đó, trao đổi với PV chiều 3-7, đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định chưa hề cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty này. Hồi tháng 6-2011, thanh tra sở đã đình chỉ hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trần Hoàng khi phát hiện công ty này đang tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng của Tập đoàn Qivana cho hơn 100 người tham dự nhưng không xuất trình được bất kỳ hồ sơ pháp lý nào về việc tổ chức hội thảo và giới thiệu sản phẩm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như giấy phép tổ chức bán hàng đa cấp.
Agel hoạt động tại TP.HCM không hợp pháp Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết đến nay sở vẫn không thống kê được có bao nhiêu thành viên thuộc mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Agel đang hoạt động trên địa bàn do theo quy định, Sở Công thương Hà Nội, nơi Công ty Agel đặt trụ sở chính, mới là đơn vị quản lý các hoạt động của công ty này từ doanh số, nhân sự mạng lưới... Ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết đây cũng chính là vấn đề nan giải khiến việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay còn lỏng lẻo. Theo quy định về việc mở rộng mạng lưới sang địa bàn tỉnh thành khác nơi đóng trụ sở chính, doanh nghiệp chỉ cần làm thông báo gửi đến sở công thương nơi dự định mở rộng mạng lưới, không cần lập chi nhánh nên khi doanh nghiệp này có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì cũng không có quy định để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương và bản thân sở công thương tại địa phương đó không thể nắm hết thông tin để xử lý kịp thời. Trong trường hợp này, Công ty TNHH Agel là công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên việc mở chi nhánh thứ hai không đơn giản. Đầu năm 2010, thanh tra sở có kiểm tra hoạt động kinh doanh tại văn phòng đại diện của công ty này trên đường Cộng Hòa và phát hiện hàng loạt sai phạm. Sở đã yêu cầu đình chỉ hoạt động. Sau đó, cơ quan quản lý xác nhận không hề nhận được thông báo về địa điểm hoạt động mới của Agel, vì vậy có thể xem chi nhánh mà Agel đang sử dụng tại TP.HCM là không hợp pháp. Trong thống kê chính thức của Cục Quản lý cạnh tranh công bố ngày 1-7, Công ty TNHH Agel VN đang trong tình trạng “làm thủ tục chấm dứt hoạt động”. Sở Công thương TP.HCM cho biết hiện nay không còn cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Tính đến tháng 6-2011, sở đã cấp 29 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, trong đó có hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
(Theo Hồng Hà - Như Bình//Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com