Minh họa: Khều. |
Nhiều chính sách pháp luật ra đời đã không đi vào cuộc sống, thậm chí tạo nên những tác động tiêu cực cho xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia, là do khâu đánh giá tác động pháp luật (Regulatory Impact Assessment - RIA) được xem như “bộ lọc” chính sách, đã bị bỏ lơi.
Chỉ làm chiếu lệ
Theo ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Việt Nam, RIA là một công cụ dùng để phân tích, đo lường các tác động tiềm tàng (lợi, hại) của sự thay đổi về chính sách và đưa ra các phương án nhằm thực hiện sự thay đổi đó.
Từ đấy, các nhà lãnh đạo có thể lựa chọn được phương án tối ưu trên cơ sở giảm thiểu chi phí nhưng đem lại lợi ích cao nhất cho xã hội. Với ý nghĩa trên, RIA được xem như một “bộ lọc” có tác dụng loại bỏ những chính sách kém và tạo nên những văn bản pháp luật có chất lượng cao.
Theo ông Faisal Naru, cố vấn trưởng thể chế thuộc dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID-VNCI), RIA đã được áp dụng tại 60 quốc gia trên thế giới.
Còn ở Việt Nam, lần đầu tiên RIA được “luật hóa” bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2008. Theo đó, RIA trở thành khâu bắt buộc trong toàn bộ quy trình hình thành, soạn thảo và thực thi pháp luật (đánh giá tác động sơ bộ văn bản khi chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định; đánh giá tác động trong quá trình soạn thảo văn bản và đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản).
Pháp luật còn quy định: báo cáo RIA phải được đăng tải công khai trên trang web của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc cơ quan đề nghị xây dựng văn bản pháp luật để người dân tham gia ý kiến.
Quy định là thế nhưng theo các chuyên gia, RIA vẫn chưa thực sự được coi trọng trong quá trình hình thành chính sách pháp luật tại Việt Nam. Thực tế cho thấy khá nhiều trường hợp dự thảo báo cáo RIA đã không được công khai để lấy ý kiến đóng góp theo quy định.
Có thể dẫn ra một loạt dự luật hiện đang trong quá trình lấy ý kiến hoặc trình thông qua như Luật Quản lý giá, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tài nguyên nước, Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định hướng dẫn Luật Khoáng sản... Trên các trang web của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo hay của VCCI, Quốc hội đều không đăng tải dự thảo báo cáo RIA đối với các dự luật, dự thảo nói trên. Có trường hợp, như Dự luật Khiếu nại thì có đăng kèm báo cáo RIA nhưng lại ghi chú “tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội” (!).
Về chất lượng nội dung, theo chuyên gia Lê Duy Bình, ngoại trừ một số báo cáo RIA được thực hiện tương đối tốt, còn lại phần lớn vẫn làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ, hoàn toàn không đúng theo yêu cầu luật định. Thậm chí không ít trường hợp báo cáo RIA gần như được “bê nguyên xi nội dung của tờ trình để dán vào”.
Chẳng hạn, trong báo cáo RIA của Dự luật Thuế nhà đất, ngoài phần nội dung về những mặt ưu, khuyết chung chung của dự luật, người đọc hầu như không tìm thấy các phương án để giải quyết vấn đề; chi phí, lợi ích của từng giải pháp ra sao; phương án nào là tối ưu và vì sao... Các báo cáo RIA của dự Luật Đầu tư công, Luật Khiếu nại... cũng trong tình trạng tương tự. Một số báo cáo RIA như của Dự luật Bưu chính; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm..., mặc dù có đưa ra các phương án giải quyết nhưng việc đánh giá tác động lại có phần sơ sài, chủ quan và cũng không giải trình được chi phí, lợi ích cụ thể của từng giải pháp.
Tư duy sai lầm
Ông Bình cho rằng một xu hướng sai lầm mà nhiều báo cáo RIA thường mắc phải là tìm mọi cách để chứng minh phương án đưa ra (theo chương trình xây dựng pháp luật) là cần thiết trong khi lẽ ra nên làm ngược lại. “Khi tư duy theo hướng ngược lại, chúng ta sẽ tìm được nhiều phương án giải quyết khác nhau. Trong đó, có thể có những phương án giải quyết mà không cần tới việc ban hành văn bản pháp luật. Chẳng hạn như biện pháp về kinh tế; tiêu chuẩn ngành; quy tắc về hành vi ứng xử... Xin lưu ý rằng chỉ khi đã không còn phương án khả dĩ nào khác và trong trường hợp thật cần thiết thì mới tính đến việc ban hành văn bản pháp luật”, ông Bình nói.
Sở dĩ như vậy là vì việc ban hành và áp dụng văn bản pháp luật sẽ tạo nên những gánh nặng chi phí cho cả Nhà nước lẫn người dân (chi phí xây dựng, chi phí thực thi). Chưa nói, một văn bản pháp luật có chất lượng kém có thể gây ra những tác động tiêu cực khó lường, đặc biệt là đối với những nhóm chịu tác động dễ bị tổn thương. Có thể kể ra như quy định về cấm xe ba gác; quy định về hành nghề xe ôm; quy định về giấy tờ nhà đất; quy định về bán hàng rong; quy định về thủ tục đầu tư; quy định về kinh doanh vàng; quy định về nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi...
Đáng nói là phần lớn trong số này đều là những chính sách do các bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương đưa ra. Trong khi đó, theo quy định, các loại văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng trở xuống lại không bị bắt buộc phải thực hiện RIA trong quy trình soạn thảo. “Đây là một lỗ hổng. Bởi có rất nhiều văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương được ban hành xuất phát từ nhu cầu điều hành, quản lý. Những văn bản này tác động rất nhanh, rất mạnh đến đời sống của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, nếu không có “bộ lọc” RIA thì sẽ khó ngăn chặn được những chính sách pháp luật có chất lượng kém cỏi”, luật sư Nguyễn Thanh Tâm phát biểu.
Một báo cáo RIA, theo quy định, phải đảm bảo những nội dung bắt buộc sau đây: - Nêu rõ vấn đề cần giải quyết và mục tiêu của chính sách dự kiến, các phương án để giải quyết vấn đề đó; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; - Lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khả năng tuân thủ và các tác động khác. (Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2008); Nghị định 24/2009/NĐ-CP) |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com