Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

223 dự án cao tầng ở trung tâm Hà Nội: Dự án nào sẽ được “đi” tiếp?

Liên quan tới chủ đề nhạy cảm, xử lý hơn 220 dự án nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) đang bị tạm dừng nằm trong nội thành Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa có kiến nghị hướng giải quyết mới với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố đề nghị phân vùng kiểm soát để quyết định số phận các dự án này.
 
 
Hà Nội đề xuất 5 khu vực kiểm soát đặc biệt về xây dựng cao tầng

Hàng trăm dự án đang bị “kẹt”

Rà soát mới nhất của các cơ quan chức năng thành phố cho thấy, tại khu vực trung tâm Hà Nội (4 quận nội thành cũ có diện tích nghiên cứu khoảng 3.400ha), có tới 223 dự án nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) đang triển khai. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất, tới 91 dự án. Tiếp đó, quận Ba Đình đứng thứ 2 (60 dự án), quận Hai Bà Trưng (53 dự án) và quận Hoàn Kiếm ít nhất (19 dự án). Phân tích chi tiết của liên ngành cho biết, các dự án này gồm 3 loại. Loại thứ nhất là các dự án phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục về tài chính, đất đai, quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng... Các dự án này cũng được đánh giá là mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đặc biệt, các dự án này đã được cấp phép xây dựng hoặc đang xin phép xây dựng. Loại hai là các dự án phù hợp quy hoạch và đang hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng và loại ba là các dự án còn lại, cần được xem xét để rà soát, đảm bảo định hướng phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực đô thị trung tâm. Theo UBND TP Hà Nội, UBND TP đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo “dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm” của Thủ tướng Chính phủ. Song, trong quá trình thực hiện, Hà Nội đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cần Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình, trên cơ sở phân tích hiện trạng, UBND TP kiến nghị Thủ tướng, cho phép tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định đối với các dự án công trình cao tầng đã được cấp phép xây dựng, chưa thi công; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc; đã được thỏa thuận quy hoạch và phương án kiến trúc; đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng. Ngoài ra, các dự án đã được trả lời thông tin quy hoạch - kiến trúc, chưa xác nhận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sẽ được thành phố xem xét cụ thể. Cuối cùng, các dự án loại ba và dự án mới sẽ được thành phố xem xét cụ thể trên cơ sở phù hợp quy định phân vùng và định hướng phát triển công trình cao tầng trong khu trung tâm.

Khu vực nào sẽ không xây cao tầng?

Liên quan tới phân vùng kiểm soát phát triển cao tầng UBND TP Hà Nội kiến nghị, 4 khu vực đặc thù, không xây dựng cao tầng gồm: khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi các tuyến phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Lê Hồng Phong); khu phố cổ (được giới hạn bởi Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Gầm Cầu, Phùng Hưng, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng); khu hồ Gươm và phụ cận (giới hạn bởi các tuyến Lý Thái Tổ, Nguyễn Hữu Huân, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Trống, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Nhà Chung, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Đặng Thái Thân, Tràng Tiền); khu Thành cổ (giới hạn bởi phố Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú).

UBND TP cũng đề xuất 5 khu vực cần “kiểm soát đặc biệt”, hạn chế xây dựng nhà cao tầng bao gồm xung quanh hồ Trúc Bạch cho đến phía bắc Phan Đình Phùng và Yên Phụ; khu giới hạn bởi phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học; khu giới hạn bởi phố Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Lê Duẩn, Giảng Võ; khu phía bắc quận Hai Bà Trưng, giới hạn bởi Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Trần Khánh Dư - Nguyễn Du - Lê Duẩn và phần còn lại của quận Hoàn Kiếm.

Cuối cùng, thành phố chỉ ra 2 khu vực “phát triển có điều kiện” gồm phía tây quận Ba Đình, từ đường Kim Mã đến đường ven hồ phía nam hồ Tây, Bưởi, Đào Tấn -  Kim Mã và toàn bộ khu vực còn lại của khu trung tâm, được giới hạn bởi đường vành đai 2 (Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Quốc Tử Giám - Cát Linh - Kim Mã - Đào Tấn - Bưởi). Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết, thành phố sẽ kiểm soát cao tầng theo dạng lòng chảo, cao tầng phía ngoài đường vành đai 2 và thấp dần vào trung tâm. Đồng thời, phát triển cao tầng theo các trục giao thông lớn, xuyên tâm, vành đai và giao điểm của các trục này...

Theo ANTĐ

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!