Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không cấm hết xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kiên quyết dừng việc phá các biệt thự cũ và cấp giấy phép xây dựng các toà nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp UBND các quận nội thành, chỉ đạo việc thực hiện, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo đúng quy hoạch.

Tuy nhiên, sau nửa năm thực hiện, việc xây dựng các toà nhà cao tầng đang bị ngừng trệ, khiến nhiều chủ đầu tư công trình và người dân lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Giảm tải cho khu vực trung tâm

Theo tinh thần kết luận số 348/TB-VPCP ngày 9.12.2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ nghe báo cáo lần 3 về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thì trong quá trình xem xét, lựa chọn phương án quy hoạch Thủ đô, để không bị xáo trộn quy hoạch, hoặc như đã từng xảy ra việc có quá nhiều đồ án, dự án đầu tư được lập trước khi HN mở rộng, đặc biệt đối với khu vực đô thị trung tâm, Thủ tướng chỉ đạo HN nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, bảo tồn, có kế hoạch phục hồi, trùng tu, duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này.

Trong thời gian qua, đã có khá nhiều biệt thự bị sang tên đổi chủ và “biến mất” để xây dựng các cao ốc, Thủ tướng yêu cầu: “UBND TPHN chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các toà nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: Mật độ xây dựng, tỉ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh... để từng bước hoàn thiện đô thị văn minh, hiện đại”.

Chấp hành chủ trương này, Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản 12421/UBND-XD gửi các Sở trực thuộc, Viện Quy hoạch xây dựng HN, UBND các quận, huyện, thị xã. Trong đó, thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch- Kiến trúc chịu trách nhiệm thẩm định phương án quy hoạch kiến trúc các khu chung cư cũ; Sở Xây dựng cùng UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và cấp pháp xây dựng các toà nhà cao tầng trong khu trung tâm.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) TP.Hà Nội, khoanh vùng các quận trên vì đây là khu vực thuộc 4 quận trung tâm HN cũ, việc xây dựng tại khu vực này cần được kiểm soát hết sức chặt chẽ nhằm không làm biến đổi không gian và cảnh quan chung. Đồng thời, thực hiện chủ trương của dãn dân ra khỏi đô thị trung tâm mà quy hoạch HN đang xây dựng, đến năm 2030 chỉ còn 80 vạn dân trong khu vực nội thành.

Bảo vệ không có nghĩa là nguyên trạng

Trên thực tế, nhu cầu về xây dựng của người dân và các doanh nghiệp trong khu vực nội thành HN là rất lớn. Theo khảo sát sơ bộ, mỗi tháng tại 4 quận, huyện của HN cũ, nhu cầu xây dựng mới, cải tạo nhà ở không dưới con số hàng chục nghìn trường hợp.

Theo ông Dương Đức Tuấn - PGĐ Sở QH-KT TP.Hà Nội - mặc dù đã có “lệnh cấm”, song không có nghĩa sẽ không có nhà cao tầng mới tiếp tục xuất hiện ở bốn quận trung tâm TP. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đã khảo sát bước đầu cho thấy, khu vực trung tâm lõi của Hà Nội có khoảng 250 nhà cao tầng, cần phải được phân loại, đánh giá tính pháp lý của các nhà cao tầng này. Sở QH-KT TP sẽ là cơ quan đầu mối chủ trì tổ chức nghiên cứu không gian nhà cao tầng, làm cơ sở để phân bố khu vực nào được làm nhà cao tầng, khu vực nào bị cấm hoàn toàn.

“Tùy thuộc không gian, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, một số địa điểm vẫn có thể được phép xây dựng nhà cao tầng, đặc biệt là ở các trục vành đai, đường xuyên tâm...” - ông Tuấn cho biết.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHN, với những dự án đã có nhưng chưa được cấp phép xây dựng, trường hợp tòa nhà rơi vào những vùng cần được bảo vệ không gian cảnh quan thì sẽ được khoanh vùng để kiểm soát chặt chẽ về điều kiện pháp lý, sau đó tìm cơ hội điều chỉnh dự án.

Trên thực tế số này không nhiều và doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ được bồi thường thỏa đáng. Với những trường hợp xét thấy chưa đủ điều kiện pháp lý thì buộc phải dừng ngay. Đối với những dự án phù hợp không gian, cảnh quan chung thì vẫn sẽ được xây dựng bình thường. Riêng khu vực chung cư cũ cũng vẫn có thể được xây nhà cao tầng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất nhưng không làm tăng dân cư và phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và điều kiện không gian khu vực xây dựng, ông Tuấn nói.

Ông cho biết: Việc cho xây nhà cao tầng trong trung tâm TP.Hà Nội cần cân đối trên nền tảng năng lực của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nếu không, TP sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối, trở thành “siêu đô thị” mắc bệnh “đầu to”, bệnh mà nhiều đô thị trên thế giới thường gặp khi phát triển quá lớn ở khu trung tâm, trong khi ở các vùng xung quanh đô thị lại mất cân đối, vì vậy sẽ lại dịch chuyển làn sóng dân nhập cư về HN, làm đô thị trở nên quá tải.

(Báo Lao Động)

  • Căn hộ 20m2 bao giờ có hồi kết?
  • Bất động sản Long An đang chờ đánh thức!
  • Thị trường bất động sản có khởi sắc?
  • Tự ý bán đất nhà nước với giá… bèo
  • Thị trường nhà, đất chuyển hướng
  • TPHCM: Phê duyệt Dự án chung cư Thành Phát, quận Bình Tân
  • Sôi động thị trường bất động sản ven biển
  • Mở rộng huy động vốn BĐS qua kênh chứng khoán
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!