Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 đã tạo sự thuận lợi cho các giao dịch nhà, đất, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.
Điểm mới nhất của Nghị định 69 là quy định về "Quỹ phát triển quỹ đất". Quỹ này mới được lập ở các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, trên cơ sở trích 30 - 50% nguồn thu hàng năm từ tiền sử dụng đất, thuê đất... Việc lập "Quỹ phát triển quỹ đất" thể hiện vai trò của Nhà nước trong ổn định xã hội. Điều tiết hợp lý tài nguyên đất đai thông qua "Quỹ phát triển quỹ đất" sẽ góp phần làm hài hoà các lợi ích giữa Nhà nước và các chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Nguyên tắc đầu tiên trong chính sách bồi thường theo Nghị định 69 lần này là: "Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng". Nếu không có đất để bồi thường, thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm thu hồi. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc giao đất tái định cư (TĐC) hoặc nhà ở TĐC nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thanh toán bằng tiền.
Nhằm khắc phục những bất hợp lý trong việc áp dụng mức hỗ trợ đối với các hộ có diện tích đất bị thu hồi khác nhau khi đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Nghị định 69 đã quy định rõ: Trường hợp thu hồi từ 30 - 70% và trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng (với thời gian hỗ trợ tương ứng 24 và 36 tháng), sẽ có 3 hình thức hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ bằng tiền (được tính từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp cho toàn bộ diện tích bị thu hồi, hỗ trợ bằng việc giao 1 suất đất ở, 1 căn hộ chung cư hoặc 1 suất đất SXKD phi nông nghiệp (đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất). Với các hình thức hỗ trợ này, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều so với các chính sách trước đây.
Theo quy định của Nghị định 69 thì khoản hỗ trợ TĐC cho người dân bị thu hồi đất ở, nếu hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở TĐC mà số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn một suất TĐC tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó. Nếu người dân không nhận đất ở, nhà ở thì được nhận khoản chênh lệch này bằng tiền. Những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà chọn phương thức tự lo nơi ở mới, không nhận nhà, đất TĐC thì sẽ được hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ dân tại khu TĐC tập trung. Giá trị của suất đầu tư hạ tầng này do UBND cấp tỉnh quy định.
Nghị định cũng quy định chi tiết về bồi thường nhà ở, công trình trên đất. Theo đó, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới. Đối với các loại công trình khác, mức bồi thường bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình và khoản tiền tính bằng phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình. Đối với nhà ở, công trình bị phá dỡ một phần, nếu phần còn lại không sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà. Trường hợp phần còn lại vẫn sử dụng được thì bồi thường giá trị phần đã phá dỡ cộng thêm chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại. Cũng theo chính sách mới này thì giá thuê đất sẽ có biến động lớn vì đơn giá thuê một năm được tính bằng 0,5% đến 2% giá đất theo mục đích sử dụng do UBND cấp tỉnh quyết định (mức hiện hành là 0,5%). Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giá thuê đất có thể thấp hơn song không được dưới mức 0,25%. Việc xác định giá thuê đất theo quy định mới sẽ bắt đầu từ 1/10/2010.
Nghị định 69 khi đi vào cuộc sống sẽ khắc phục được những bất cập trong trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất... bằng cách lồng ghép 3 loại thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai để thống nhất một đầu mối, rút ngắn thời gian thực hiện. Theo đó, khi cấp chính quyền hoặc cơ quan có trách nhiệm thực hiện bước giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất thì cũng đồng thời cho phép nhà đầu tư tiến hành khảo sát, đo đạc khu vực dự án để lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và kế hoạch bồi thường, GPMB. Nghị định đã vận dụng tất cả những gì có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất; chú trọng phần hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
( theo Đức Tâm // báo xây dựng )