Các nhà môi giới “nhìn” thị trường bất động sản (BĐS) của thành phố như thế nào? DĐDN có cuộc trao đổi với hai nhà môi giới BĐS Hải Phòng là ông Nguyễn Quang Văn - Giám đốc Cty CP Đầu tư Văn Minh - số 36 Văn Cao, đơn vị khai thác sàn giao dịch BĐS trực tuyến www.nhadatvanminh.com.vn và ông Lưu Thanh Tăng - Giám đốc sàn giao dịch thuộc Cty CP xây lắp thương mại Hải Phòng. Ông Lưu Thanh Tăng: Đúng là nên dùng từ “ấm” lên với BĐS Hải Phòng trong giai đoạn này. Sau mấy tháng trầm lắng đầu năm, hiện nhu cầu tìm kiếm BĐS đã tăng trở lại. Tất nhiên, giao dịch có thành công thì là chuyện khác. Thị trường sôi động thể hiện ở lượng giao dịch thành công. Còn nhu cầu bán, mua lúc nào cũng có nhưng thay đổi theo từng giai đoạn trong năm, và việc mua, bán thường kéo dài vài tháng. Nên nhu cầu bán, hay mua trong thời gian ngắn chưa là “chuẩn” thể hiện sự sôi động của thị trường.
- Dường như BĐS Hải Phòng đang “ấm” lên, thể hiện cụ thể bằng sự xuất hiện của Hiệp hội BĐS và một số sàn giao dịch mới ?
Ông Nguyễn Quang Văn: Sự xuất hiện Hiệp hội BĐS và một số sàn giao dịch mới chủ yếu thể hiện thị trường BĐS của Hải Phòng đang dần chuyên nghiệp hóa. Giai đoạn địa ốc sôi động vài năm trước đã có một số sàn giao dịch được lập, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Hiện nay, một số sàn giao dịch có thêm cách phục vụ mới, nên đã “hút” được sự quan tâm của khách.
- Thị trường “ấm” có thể do các nhà đầu cơ xả hàng, hay vì nguyên nhân khác, như xuống giá chẳng hạn ?
Ông Lưu Thanh Tăng: Nếu hiểu đầu cơ là găm giữ một loại hàng hóa, sau đó tác động, thao túng giá và thị trường của mặt hàng ấy, thì Hải Phòng không có nhà đầu cơ đất. Hải Phòng có những nhà buôn bán BĐS chuyên nghiệp nhưng chưa ai đủ khả năng thao túng giá của thị trường. Tôi cho rằng hoạt động BĐS Hải Phòng ấm lên do hồi phục nhu cầu sau thời gian khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu mua nhà để ở đã thay thế nhu cầu BĐS tại các dự án để kinh doanh. Về giá, thì giá đất Hải Phòng chưa bao giờ “sốt nóng” như tại TP HCM, Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Văn: Thị trường BĐS Hải Phòng hồi phục chỉ trong phân khúc
nhà để ở có giá trị dưới 1 tỷ đồng/căn. Đây hiện là loại BĐS có tỷ lệ giao dịch thành công qua sàn nhadatvanminh.com.vn cao nhất, lên tới 25 – 30% tổng số. Điều này cho thấy nhu cầu nhà để ở của Hải Phòng vẫn tốt. Một số dự án xây mới, hoặc quy mô nhỏ tại nội thành vẫn được thực hiện cầm chừng như khu vực dọc tuyến Lê Hồng Phong (Ngã 5 – Sân bay Cát Bi) vẫn có giao dịch cho dù chênh lệch giữa giá đất thực tế và giá của thành phố công bố chênh nhau gấp 2 lần thậm chí có vị trí gấp 3 lần, nhiều dự án còn lại tại các khu vực Dương Kinh, An Đồng... gần như chưa có khởi sắc, giao dịch vẫn còn hạn chế cho dù giá chênh lệch rất thấp.
- Vậy có thể tổng kết về đặc trưng thị trường BĐS như thế nào ?
Ông Lưu Thanh Tăng: Sự phân chia giá đất theo khu vực, địa giới hành chính của thành phố không có tác động nhiều tới giá đất thực tế. Và cũng không phụ thuộc vào quy hoạch của các dự án BĐS. Trên thực tế, đất dự án, hay nhà xây sẵn trong các dự án BĐS thường không giao dịch nhanh như đất hay nhà xây sẵn để bán trong các khu dân cư cũ. Dù so về CSHT, đường đi... thì các dự án BĐS hơn hẳn các khu dân cư cũ. Điều này phản ánh đặc trưng của thị trường BĐS của thành phố chủ yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu ở của người dân. Và ngược lại, thu nhập bình quân của người dân đóng vai trò chính trong điều chỉnh, tác động tới giá BĐS và hoạt động giao dịch BĐS của thành phố. Điều này khác với thị trường BĐS của TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội vốn lên xuống theo những yếu tố ngoài thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Quang Văn: Đó là phân biệt theo vùng. Chứ không theo dự án hay khoảng cách. Chẳng hạn tuyến Ngã 5 – Sân bay Cát Bi vẫn có giao dịch, giá vẫn lên ngay trong giai đoạn khủng hoảng nhất. Đa phần, giá đất thực tế những khu vực này hiện chỉ chênh lệch vài triệu VND/m2 so với giá đất thành phố công bố. Lý do là nhu cầu mua không lớn, không tác động nhiều tới yếu tố giá. Có những khu vực, như đất mặt đường tại một số dự án đường Phạm Văn Đồng đoạn qua Cầu Rào chỉ giao dịch trong khoảng trên dưới 10 triệu VND/m2 là đã có thể bán được mà cũng ít người mua. Lý do đây chủ yếu là đất biệt thự có diện tích rộng, tổng giá trị mua vào cao, lại vắng người và không gần trung tâm thành phố nên không hút khách...
- Trân trọng cảm ơn hai ông.
(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)