Bất động sản du lịch là lĩnh vực thu hút nhiều dự án lớn trong năm qua. |
Số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2009 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Theo kết quả tổng hợp số liệu từ báo cáo của các địa phương gửi về tính đến 15/12, trong năm 2009, Việt Nam đã thu hút được 1.504 dự án FDI cả cấp mới và tăng vốn, đạt 21,482 tỷ USD, bằng 30% so với năm 2008.
Tăng vốn “cầm cự”, giải ngân giảm 13%
Nhìn trên các số liệu thống kê, kết quả thu hút FDI năm 2009 chứng kiến sự giảm mạnh về vốn đăng ký cấp mới, tới 70%. Nhưng, lượng vốn tăng thêm từ các dự án FDI đầu tư giai đoạn trước giảm không nhiều, chỉ 13%.
Cụ thể, trong năm 2009 Việt Nam đã thu hút được 839 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 16,345 tỷ USD, bằng 24,6% so với cùng kỳ năm 2008. Cùng trong năm này, đã có 215 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 5,137 tỷ USD, bằng 98,3% so với con số tương ứng của năm ngoái.
Việc các dự án FDI mở rộng đầu tư cho thấy góc nhìn tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế, trong năm qua xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) vẫn đạt 29,9 tỷ USD, bằng 86,6 % so với năm 2008 và chiếm 52,7 % tổng xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp này giảm có nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu dầu thô không được giá.
Nếu không tính dầu thô, khu vực doanh nghiệp này xuất khẩu 23,6 tỷ USD, chiếm 41,7 % tổng xuất khẩu và bằng 98 % so với năm 2008.
Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2009 chỉ đạt 24,8 tỷ USD, bằng 89,2 % so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước, tương đương xuất siêu 5,03 tỷ USD. Nếu không kể dầu thô, khối này nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD.
Thêm thông tin tích cực từ phía các doanh nghiệp FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đưa con số ước tính, lượng vốn FDI giải ngân trong năm vừa qua đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2008 giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD).
Thêm nhiều dự án bất động sản tỷ đô
Trong ba lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn FDI, dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong đó, có 32 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 4,9 tỷ USD và 8 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD.
Bám rất sát và ấn tượng với nhiều dự án tỷ đô, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm.
Đặc biệt, có một số dự án quy mô lớn được cấp phép trong năm 2009 như Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng (Quảng Nam), dự án Công ty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (Đồng Nai); dự án Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam có tổng vốn đầu tư lần lượt là 4,15 tỷ USD, 2 tỷ USD và 1,68 tỷ USD…
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba trong năm 2009 với 2,97 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,22 tỷ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm.
Năm qua, đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD; Cayman Islands đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD; đứng thứ 3 là Samoa với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 1,66 tỷ USD vốn đăng ký...
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn FDI lớn nhất trong năm 2009, với 6,73 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai và Phú Yên với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 4,1 tỷ USD; 2,5 tỷ USD; 2,36 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.
(Theo Anh Quân // Vneconomy)