Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bắt mạch “cơn sốt” giá đất Hà Nội

Từ kết quả của đợt khảo sát, kiểm tra, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp nhằm “hạ nhiệt” thị trường bất động sản
Trong tuần này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm tra tình hình thị trường bất động sản và giá chuyển nhượng các loại đất trên thị trường tự do tại một số địa điểm đang được xem xét quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Theo đó, nguyên nhân về việc giá đất tăng đột biến đã bước đầu được làm rõ…
 
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức khảo sát tình hình thị trường bất động sản trong thời gian gần đây tại một số huyện thuộc vùng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Việc khảo sát này được tiến hành dưới 2 hình thức: kiểm tra qua hồ sơ tài liệu và kiểm tra thực địa tại một số “điểm nóng” đang xem xét quy hoạch.

Kết quả kiểm tra thực địa tại 5 huyện thuộc địa bàn Hà Nội là Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thường Tín và Mê Linh cho thấy, giá bất động sản tại những khu vực này có sự dao động khá lớn trong thời gian gần đây. Ở khu vực phía Tây Hà Nội, giá bất động sản tăng trung bình khoảng 40%. Cụ thể, giá đất dự án nằm trong vành đai 4 như khu vực quận Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn, khu vực An Khánh trong năm 2009 chỉ dao động khoảng 25-30 triệu đồng/m2, thì 5 tháng đầu năm 2010 tăng lên khoảng 40%, hiện giao dịch ở mức 40-60 triệu đồng/m2. Tại huyện Quốc Oai, nếu trong năm 2009, giá đất nền chỉ khoảng 10-12 triệu/m2, thì tháng 5/2010 đã dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/m2.

Phía Đông Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng giá đất tại huyện Gia Lâm, với giá đất nền tăng từ  25-30 triệu đồng/m2 (năm 2009) lên 30-40 triệu đồng/m2 (năm 2010). Giá căn hộ tại các khu đô thị mới như Việt Hưng, Sài Đồng đã tăng bình quân 30% chỉ trong vòng 1 năm.

Để có kết quả chuẩn xác nhất về mặt bằng giá bất động sản hiện nay tại một số khu vực đang được xem xét quy hoạch, đoàn kiểm tra đã tiến hành tham khảo nhiều kênh thông tin, kể cả các giao dịch trực tiếp, giao dịch qua sàn, các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản qua Cục Thuế Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông tại các huyện ngoại thành thuộc Hà Tây cũ ngày càng tốt hơn. Các tuyến đường lớn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, như đường 32, đường Láng- Hòa Lạc, các trục giao thông xung quanh vành đai 3, vành đai 4 đã và đang chuẩn bị hoàn thành. Đó là nguyên nhân khiến giá đất tại một số khu vực ven đô tăng cao trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về giao đất rừng, đất nông nghiệp quá “thông thoáng”, nên nhiều nơi đã giao đất tại các nông, lâm trường cho cả những đối tượng không phải là nông trường viên, không phải là người địa phương. Trong khi đó, việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo, dẫn đến việc mua bán, chuyển nhượng lộn xộn, khiến chính quyền không kiểm soát được. Mặt khác, quy định của pháp luật về thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng khá đơn giản cũng đã tạo kẽ hở cho những người đầu cơ đất đai trục lợi.  

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ngoài những nguyên nhân trên, quy hoạch Hà Nội mở rộng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến giá đất được đẩy lên cao. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khách quan khiến giá bất động sản tăng vọt trong thời gian qua là: tình trạng thiếu hụt các dự án bất động sản lớn, việc giải phóng mặt bằng  tiến triển rất chậm chạp, do thay đổi trong cơ chế, chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đền bù theo quy định của Nghị định  69/2009/NĐ-CP và sự thiếu hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, nên luồng vốn chuyển sang bất động sản…

Từ kết quả của đợt khảo sát, kiểm tra nêu trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp nhằm “hạ nhiệt” thị trường bất động sản. Theo đó, các cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, chi cục thuế có trách nhiệm kiểm tra và kiên quyết không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ chưa hợp pháp và chưa nộp thuế. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rừng, đất canh tác và không được tự do chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện khi đáp ứng một số điều kiện nhất định về đối tượng, thời gian sử dụng đất…, nhằm hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn, gây lộn xộn cho thị trường bất động sản.

(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

  • Giá thuê văn phòng, căn hộ TP.HCM, Hà Nội đắt nhất Đông Nam Á
  • Thị trường BĐS: Tiềm ẩn nhiều rủi ro - Cơ hội cho người tỉnh táo
  • Nhà hộp quẹt mọc loạn xị ở Cần Thơ
  • TP.HCM, Hà Nội có giá thuê văn phòng, căn hộ đắt
  • Đất xứ dừa lên giá bất thường
  • Dừng xây nhà cao tầng ở trung tâm HN: DN nguy cơ phá sản
  • Loay hoay làm nhà cho người thu nhập thấp
  • Bộ Xây dựng nêu giải pháp hạ "sốt" đất tại Hà Nội
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!