Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát biệt thự công

Các biệt thự gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa khi cải tạo không được làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu. Trường hợp thuộc diện xuống cấp có nguy cơ sập đổ mới được phép phá dỡ.

Theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị do Bộ Xây dựng ban hành, việc quản lý biệt thự phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc.

Từ ngày 22/1/2010, Sở Xây dựng các tỉnh phải báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ hàng năm về tình hình quản lý sử dụng biệt thự trên địa bàn. Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp tỉnh và phối hợp với bên liên quan xác định các danh mục biệt thự. Đồng thời Sở phải hướng dẫn đơn vị quản lý quỹ thống kê, rà soát quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn và xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng dạng biệt thự này có hiệu quả.

Đối với biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hóa hoặc có giá trị điển hình về kiến trúc phải giữ đúng kiểu dáng, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của biệt thự (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao). Nghiêm cấm hành vi tự ý phá dỡ, cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức.

Riêng các biệt thự gồm nhiều hộ ở đã bị biến dạng có thể sửa chữa, cải tạo để phục hồi lại nguyên trạng kiểu dáng kiến trúc. Trường hợp thuộc diện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng mới được phép phá dỡ.

Theo thống kê của Sở xây dựng, trong số hơn 900 biệt thự cổ Hà Nội, có đến 80% số lượng bị lấn chiếm, biến dạng, 15% còn nguyên dạng và 5% được xây mới. Do nhu cầu về diện tích để làm văn phòng, kinh doanh và dịch vụ tăng đột biến, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây lại thành nhà nhiều tầng khiến Hà Nội bị mất đi giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Quá trình đô thị hóa nhanh cùng việc buông lỏng quản lý khiến hầu hết các nhà biệt thự bị xuống cấp, hư hỏng, biến dạng.

Để bảo tồn, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự có hiệu quả, Hà Nội đề xuất không bán 207 biệt thự thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình, có giá trị kiến trúc văn hóa lớn. Còn lại, 599 biệt thự được đề nghị bán nhằm tạo điều kiện cho người dân khai thác và sử dụng hiệu quả hơn.

(VnExpress)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!