Dự thảo Luật Thuế nhà đất (TNĐ) do Bộ Tài chính soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2009. Theo tính toán, sau khi Luật TNĐ được thực thi, dự kiến mỗi năm Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách khoảng 2.290 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc áp dụng Luật TNĐ sẽ góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần có biện pháp xử lý hiệu quả với những trường hợp đang sở hữu số lượng lớn nhà đất, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng trái mục đích, trong khi quỹ đất đang ngày càng thu hẹp.
Mức thuế thấp, dễ nảy sinh tiêu cực?
Dự thảo Luật Thuế nhà đất mới sẽ có lợi cho người dân nhưng chưa hạn chế được tình trạng đầu cơ nhà đất. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo dự thảo Luật TNĐ, nhà ở dưới 600 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế. Các loại nhà ở có giá trị hơn 600 triệu đồng sẽ chịu thuế suất 0,03%, thay cho mức 0,05% như dự kiến trước đây. Với đất ở là nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ áp dụng một mức thuế suất là 0,03%. Mức thuế suất này được đánh giá là phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân hiện nay. Cụ thể, với diện tích khởi điểm phải chịu thuế là 150m2, giá 1m2 nhà xây dựng mới khoảng 4 triệu đồng, giá khởi điểm tính thuế 600 triệu đồng (150m2 x 4 triệu đồng/m2 = 600 triệu đồng) là phù hợp. Bởi, tại cả khu vực nông thôn và thành thị, số lượng người dân sở hữu những căn nhà dưới 600 triệu đồng vẫn chiếm đa số.
Nhận xét về các mức thuế suất tại dự thảo, luật sư Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra mức thuế lũy tiến để tránh tình trạng đầu cơ, song vẫn chưa triệt để. Cụ thể, theo quy định của dự thảo, diện tích đất ở nếu vượt hạn mức sẽ phải chịu thuế lũy tiến với mức 0,06-0,09%; nhưng với đất ở là nhà nhiều tầng, nhà chung cư lại chịu chung một mức thuế duy nhất là 0,03% là bất hợp lý. Thêm vào đó, nhà ở là chung cư cao cấp, biệt thự, vốn là đích ngắm của giới đầu cơ bất động sản thì lại thuộc diện không phải chịu thuế lũy tiến theo dự thảo này. Đây chính là lỗ hổng lớn cần được xem xét, vì nếu như vậy, Luật TNĐ mặc dù có lợi cho người dân, nhưng chưa hạn chế được tình trạng đầu cơ nhà, đất.
Quỹ đất bớt căng thẳng, nếu mức thuế hợp lý
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế nhà với mức thuế suất 0,03% mà dự thảo đưa ra là hợp lý. Bởi, hiện Nhà nước mới chỉ thu thuế đất, còn nhà ở vẫn chưa phải nộp thuế. Chính quy định này đã vô tình tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ bất động sản phát triển, trong khi đó rất nhiều người làm công ăn lương lại chưa có nhà ở. Về thuế đất, Nhà nước cũng nên đưa ra mức thuế suất cao hơn để hạn chế tình trạng đầu cơ. Cụ thể, với những trường hợp sở hữu đất cao hơn 3 lần định mức, cần đánh thuế cao hơn mức 0,09% mới phù hợp. Bên cạnh đó, cần có những điều chỉnh hợp lý với những tổ chức, cá nhân từ lâu đang sở hữu quá nhiều nhà, đất, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Làm như vậy, quỹ đất cho xã hội sẽ bớt căng thẳng, tạo cơ hội cho người có thu nhập trung bình có điều kiện tiếp cận được nhà, đất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản thời gian qua rơi vào tình trạng phát triển "bong bóng" một phần là do hiện tượng đầu cơ nhà, đất. Việc đánh thuế cao với những phần nhà, đất vượt định mức dự kiến sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn. Tuy nhiên, sau khi áp dụng Luật TNĐ mới, tình trạng trốn thuế, lách thuế có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, khi xây dựng và hoàn thiện dự luật, nên có những chế tài quản lý chặt chẽ để người nộp thuế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.
Dự kiến, dự thảo Luật TNĐ sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2009. Nếu được thông qua, Luật TNĐ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, trở thành một trong những sắc thuế quan trọng, đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước.
(Theo Hương Ly/HNMO)