Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đại gia bất động sản TP.HCM ào ạt Bắc tiến

Thị trường sở tại trầm lắng trong khi tình hình lại rất sôi nổi ở đầu Hà Nội là lý do chính khiến doanh nghiệp bất động sản TP.HCM ào ào Bắc tiến.

Ra biển lớn bắt cá to

Những mã cổ phiếu bất động sản như LCG, PPI, SGI, KBC, ITA, SVC, TDH, ITC, CIC... vài năm gần đây không còn xa lạ gì với dân đầu tư chứng khoán. Đây không chỉ là những tên tuổi doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, phát triển địa ốc lớn đến từ phía Nam mà còn chung một điểm, tất cả đều đang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn ở Hà Nội.


Thị trường bất động sản Hà Nội nhiều tiềm năng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thâm nhập bởi giá đất cao, liên doanh liên kết không đơn giản, đặc biệt là thời gian làm dự án kéo dài - Ảnh: N.N

Có thể thấy càng ngày sự tham gia, góp mặt của các doanh nghiệp phía Nam tại Hà Nội càng xôm tụ, từ lĩnh vực căn hộ chung cư, khu thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn đến khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái...

Những cái tên sở hữu cùng lúc nhiều dự án lớn với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD tại thị trường Hà Nội phải kể đến như Tập đoàn Tân Tạo (ITA) với như Khu đô thị mới Xuân Mai, Khu Đô thị Khoa học Công nghệ và Tài chính Tân Tạo – Hanel tại huyện Gia Lâm; cao ốc văn phòng ITA-Sky Hà nội trên đường Triệu Việt Vương); Tổng Công ty Kinh Bắc (KBC) với Toà nhà thương mại văn phòng Kinh Bắc Hà Nội Tower giá trị 100 triệu USD trên đường Láng Hạ, Khách sạn 5 sao Lotus mà tổng mức đầu tư lên tới 500 triệu USD; Khu tổ hợp đa năng Kinh Bắc tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm...) hay các dự án như Khu đô thị Cổ Bi, Gia Lâm; khu biệt thự du lịch sinh thái ở Thạch Thất của Công ty Thái Bình Dương (PPI)...

Sẽ là thiếu sót nếu chưa nhắc đến những doanh nghiệp dù chưa lên sàn chứng khoán nhưng đã khẳng định bước chân của mình tại thị trường Hà Nội như Refico với Watermark 19 tầng trên Hồ Tây hay Bitexco với khu chung cư cao cấp The Manor và khách sạn 5 sao JW Marriott Hanoi ở Mỹ Đình... Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu, còn không ít doanh nghiệp khác như Hoàng Anh Gia Lai, Sacomreal... cũng đang lên kế hoạch Bắc tiến.

Một động thái chuyển hướng quan trọng khác phải kể đến hàng loạt tập đoàn, công ty bất động sản nước ngoài - mà trước đó hoạt động đầu tư tại Việt Nam đầu tiên gắn liền với thị trường TP.HCM thì nay, những cái tên như Berjaya, Ascendas, VSIP, CapitaLand hay Lotte, Parkson... đều đã hiện hữu tại Hà Nội bằng các dự án đã và đang được hoàn thành.

Không có chỗ cho doanh nghiệp nhỏ

Bất động sản Hà Nội nói riêng được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là một thị trường lớn rất lớn và tiềm năng. Đây là nơi thể hiện tập trung sự phát triển kinh tế với quy mô dân số lớn, mật độ cao, cũng như có tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ trong khi nguồn cung chưa dồi dào so với quy mô thị trường TP.HCM hiện tại. Hơn nữa, thông qua hoạt động đầu tư bất động sản, đặc biệt là mảng căn hộ, các doanh nghiệp phía Nam nhìn nhận, khách hàng miền Bắc và Hà Nội vào mua thường là những người rất am hiểu, kỹ tính và sẵn sàng đầu tư theo giá trị.

Là doanh nghiệp được nhắc đến khá nhiều thời gian qua với các đề xuất, dự án nhà ở giá trung bình, sát với nhu cầu thị trường tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực – lãnh đạo Công ty Địa ốc Đất Lành ví von, thị trường bất động sản Hà Nội như là một “biển lớn”. Muốn bắt được cá to thì đương nhiên doanh nghiệp phải ra biển. Cũng với cách nghĩ này, ông Lê Hoàng Châu đánh giá đó là một thị trường “siêu lợi nhuận” nhưng đi kèm nhiều rủi ro, nhất là đối với những doanh nghiệp ít vốn, đầu tư theo kiểu lướt sóng. 
Mô tả ảnh.

Bà Trần Thị Tô Thanh, từ phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư của CBRE, phân tích, thị trường bất động sản Hà Nội triển vọng như vậy nhưng việc thâm nhập không phải dễ dàng. Thường chỉ những doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn, có tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm và am hiểu thị trường mới có nhiều khả năng thành công.

Chính vì những đặc điểm nêu trên mà cuộc chơi ra Bắc trong giai đoạn hiện nay chủ yếu dành cho những doanh nghiệp lớn, được họ nhìn nhận là một bước đi lâu dài, chiến lược trong việc mở rộng thị trường và nâng cao thị phần.

“Trong bối cảnh toàn thị trường TP.HCM trầm lắng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như đều chọn cách co cụm lại, vật lộn với những khó khăn của các dự án sở tại. Hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp vẫn còn nằm ở những dự án này, việc bán hàng để lấy lại đồng vốn đầu tư hiện cũng rất khó khăn, chứ đừng nói làm sao dư vốn để bung ra Hà Nội” – ông Nguyễn Văn Đực bộc bạch.

Theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, tuỳ vào năng lực, chiến lược của mỗi doanh nghiệp song thông thường doanh nghiệp lớn, trường vốn và có uy tín bao giờ cũng “xông” ra trước tiên, rồi sau mới đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với cái nhìn đầy tích cực và thiện cảm về năng lực của các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM, đặc biệt ở khối tư nhân so với doanh nghiệp phía Bắc, vị chuyên gia cho việc tìm kiếm, mở rộng thị trường của doanh nghiệp phía Nam hiện nay là tín hiệu rất đáng mừng, giúp gia tăng cạnh tranh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường phía Bắc.

Theo Vietnamnet

  • Nhịn ăn… để ở
  • Được cấp chủ quyền đất hẻm, một hộ dân bị kiện tập thể
  • PVI Invest ký hợp đồng hợp tác kinh doanh Dự án Thung Lũng Xanh
  • Công ty ông Hoàng Kiều bị phạt 35 triệu đồng
  • TP.HCM: Hơn 400 nhà thầu “trơ mặt” với vi phạm
  • Yêu cầu báo cáo số công trình sai quy hoạch tại Phú Mỹ Hưng
  • Cần cái nhìn mới về chung cư cũ
  • Tháng 6: Doanh số bán nhà tại Hồng Kông giảm sâu
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!