Dư luận vẫn tiếp tục tranh cãi với các ý kiến ủng hộ và phản đối trái ngược nhau về việc xây dựng căn hộ 20m2. Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM xem xét, đánh giá nhu cầu của người dân, nếu thấy nhu cầu lớn và cấp thiết thì có thể cho phép xây dựng thí điểm.
Nhà ở chỉ là một phần trong cấu trúc đô thị, nhưng nó lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Có an cư mới lạc nghiệp. Dân cư đô thị được hưởng những giá trị về vật chất như trường học, bệnh viện, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, rác thải và những giá trị về tinh thần như nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu vui chơi giải trí. Nếu không đảm bảo cho người dân được thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần tối thiểu thì đô thị sẽ chỉ là nơi tập trung dân cư đông đúc và chen chúc.
Ở các nước phát triển, người dân chỉ cần có việc làm ổn định là có thể được mua nhà trả góp dài hạn hoặc thuê nhà dài hạn trả hàng tháng. Chính phủ có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp quy mô lớn lập các dự án cho thuê nhà giá thấp phục vụ cho người lao động, góp phần giải quyết khó khăn về nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Trên thực tế, với mức giá nhà đất quá đắt đỏ như hiện nay, thì việc sở hữu một căn hộ chung cư giá thấp vẫn là giấc mơ xa vời của nhiều cán bộ, công chức thu nhập trung bình, chứ chưa nói tới thu nhập thấp.
Đơn cử một nhân viên làm cho một công ty nước ngoài, lương tháng 7 triệu đồng mà hơn 10 năm nay chưa mua nổi nhà. Mỗi tháng, trừ chi tiêu tất cả các khoản, người đó để dành được 2 triệu đồng, trong khi một căn hộ chung cư ngót nghét cả tỷ đồng. Với mức thu nhập này, nếu “may mắn” không ốm đau, bệnh tật, không lấy vợ và năm nào cũng tăng lương thì phải hơn 10 năm nữa mới mua được một căn hộ. Có những người “số may” hơn, vợ chồng tích góp mấy năm trời được 300 triệu đồng hy vọng mua được căn hộ riêng. Song lùng sục khắp nơi, giá rẻ nhất là 500 triệu đồng căn hộ 22m2. Muốn chuyển sang mua căn hộ chung cư trả góp qua trung gian, thì một căn hộ gần 100m2, giá rẻ nhất bây giờ cũng 16-17 triệu đồng/m2.
Theo thống kê, lương khởi điểm của đa số người tốt nghiệp đại học khoảng 3-4 triệu đồng, làm lâu mới được tăng lương nhưng không đủ bù trượt giá. Trong khi đó, hiện nay đa số căn hộ giá từ 600 triệu đến 1,5 tỷ đồng, thì có đến ngày về hưu cũng không mua nổi. Những người có mức lương 5-10 triệu đồng đi ra ngân hàng vay vốn mua nhà cũng khó, có ngân hàng còn yêu cầu, phải có hộ khẩu dạng KT3 thì mới cho vay. Với những người chuyên thuê nhà ở trọ, yêu cầu này cũng khó ngang với việc để dành tiền mua nhà. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhà giá rẻ rơi vào khoảng từ 500-600 triệu đồng/căn rộng dưới 40m2 ở TP.HCM. Còn ở Hà Nội thì “còn lâu” mới mua được. Như vậy tính ra, một người thu nhập trung bình phải tích góp ít nhất trong 10 năm mới có khả năng mua được nhà ở, nhưng với điều kiện trong chục năm ấy phải “nhịn ăn, nhịn uống”.
Đã có nhiều ý kiến “mổ xẻ” tình trạng bất cập trên là vì hệ thống quản lý các dự án nhà ở xã hội chưa chặt chẽ khiến việc triển khai các dự án nhà ở giá thấp gặp nhiều trở ngại, dẫn đến chi phí triển khai xây dựng tăng cao, kết quả là giá nhà hoàn thiện cũng cao lên, chưa kể còn sang tay do nạn đầu cơ. Hậu quả là đến tay người cần nhà ở thì giá cao vọt so với giá trị thực của nó.