Những “tấm vé” đi tiếp đầu tiên dành cho các đồ án quy hoạch, dự án bất động sản ở Hà Nội đã được xác lập. Tuy thế, chỉ khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, các doanh nghiệp mới có thể ăn mừng việc được lên “chuyến tàu sớm”.
Tổ công tác đặc biệt rà soát đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tại Hà Nội vừa hoàn thành danh mục các dự án sẽ được tiếp tục triển khai trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, thành phố mới chỉ “điểm danh” được các dự án sẽ được “đi” tiếp thuộc khu vực vành đai III đến sông Đáy. Những khu vực còn lại sẽ phải chờ tới cuối năm 2009 khi phương án quy hoạch chung Hà Nội đã định hình.
245 “vé” hạng nhất
Chấm dứt những thông tin, đồn đoán mù mờ, thiếu rõ ràng về kết quả cuộc “đại phẫu” 744 dự án đầu tư, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội mở rộng, ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tổ công tác đã có kết quả rà soát đợt 1 các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng. Theo đó, tổ công tác đề xuất 245 đồ án, dự án với tổng diện tích 7.298 ha tại các quận, huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông được tiếp tục triển khai. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 46 dự án, đồ án; đô thị và nhà ở: 144; du lịch dịch vụ: 9; y tế - giáo dục: 23; lĩnh vực khác: 23 dự án. Quận Hà Đông có số dự án, đồ án được thông qua lớn nhất (77), kế đó là huyện Mê Linh, Hoài Đức, Từ Liêm... Về diện tích, huyện Mê Linh xếp đầu bảng với 2.319 ha, tiếp đó là Từ Liêm (1.425 ha), Hoài Đức (1.357 ha), Hà Đông (1.030 ha)...
|
Giải thích vì sao phải chia nhiều đợt thay vì rà soát toàn bộ và đưa ra kết quả tổng thể ngay trong tháng 6 -2009 như thông tin đã công bố hồi tháng 4 - 2009, ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ tướng đã giao “thành phố Hà Nội trước mắt xem xét, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp với tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng và thành phố trong khu vực vành đai III đến sông Đáy; báo cáo Thủ tướng kết quả, đề xuất phương án xử lý”. Thêm nữa, dự kiến, tháng 10 - 2009, Thủ tướng mới quyết phương án quy hoạch chung Hà Nội nên tháng 6 - 2009 thành phố chưa thể hoàn thành toàn bộ việc rà soát.
Chia sẻ nỗi bức xúc vì phải chờ đợi lâu của các nhà đầu tư, ông Phí Thái Bình nói: “Nguyên tắc làm việc của tổ công tác là “xả” ra từ từ chứ không thể làm ồ ạt, ưu tiên các dự án đang thực hiện, đã GPMB và đang ngưng trệ. Thêm nữa, tổ công tác càng không có quyền “phanh” dự án này hay đẩy dự án kia đi trước mà phải xét trên các tiêu chí đã được Chính phủ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội thông qua. Chẳng hạn, huyện Hoài Đức có 5.000 ha đất nông nghiệp thì tới nay gần 4.000 ha đã “dự tính” chuyển thành khu công nghiệp, khu đô thị. Kỳ này, thành phố chỉ có thể “xả” bớt ra 1.357 ha. Phải làm dần để còn xem xét, khâu nối các dự án. Trước đây có duyệt nhưng kết nối giữa các khu hầu như không có. Điều này rất nguy hiểm, nhất là tiêu thoát nước. Nếu cho làm hết mà không tính toán thì không cần trận mưa lịch sử vẫn ngập úng...”
Kéo nhanh được “toa” nào cứ kéo!
Chưa hết băn khoăn về các dự án được “đi” tiếp trong đợt 1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng nêu vấn đề: “Các dự án đường trục giao thông đã được duyệt, nay vì chờ quy hoạch chung lại phải cân nhắc lại các dự án đô thị, nếu không xem xét nhanh, có nguy cơ thành những dự án “treo”, quy hoạch “treo” lớn. Một số dự án ở phía Nam Hà Đông như Thanh Hà A, Thanh Hà B, vì sao lại chưa đưa ngay vào đợt 1?”. Một số nhà đầu tư cũng thắc mắc: “Nhìn vào danh mục các dự án được triển khai tiếp, thấy nhiều dự án đô thị mà lại rất ít dự án văn hóa - xã hội, công viên, bệnh viện, khu vui chơi. Vậy, khi đô thị xây dựng, dân vào ở đông lên, sẽ lấy đâu hạ tầng xã hội để phục vụ?” Một số ý kiến khác tỏ ra bức xúc: “Dự án quốc kế dân sinh, trường học, bệnh viện phải được ưu tiên trước, còn những dự án chưa được duyệt quy hoạch, chưa có quyết định đầu tư, thu hồi đất, phải để lại xem xét sau...”
Trả lời những câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, 3 dự án Mỹ Hưng, Thanh Hà A, Thanh Hà B chưa xét ngay trong đợt 1 là vì ý tưởng của tư vấn quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ “khoanh” khu vực phía Nam quận Hà Đông là vùng thoát nước trọng điểm. Ông Nguyễn Văn Tứ nói: “Nếu cho triển khai ngay, sau này sẽ khó khăn nên cần chờ cập nhật thêm thông tin từ tư vấn quy hoạch chung Hà Nội”. Cũng theo đại diện Sở KH - ĐT, sở dĩ danh mục các dự án đợt 1 “vắng bóng” các dự án văn hóa - xã hội bởi đa số các dự án này đều sử dụng vốn ngân sách và nghiễm nhiên được triển khai bình thường, không nằm trong diện xét duyệt. Một vài dự án bệnh viện lớn cũng chưa xem xét trong đợt này bởi còn chờ ý tưởng quy hoạch cụm bệnh viện trên địa bàn toàn thành phố.
Liên quan tới các dự án giao thông lớn ở khu vực phía Tây, ông Phí Thái Bình cho biết, chưa thể đề xuất một số khu đô thị đi kèm được “tiến quân” trong đợt 1. “Tàu kéo nhanh được toa nào thì cứ kéo để kinh tế thành phố vận hành thông suốt. Thế nên các dự án ở Mê Linh, Thanh Trì cũng đưa luôn vào đợt 1. Tuy thế, thành phố ưu tiên những dự án đang triển khai, đã giải phóng mặt bằng dang dở, còn những “anh” chưa có quyết định giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chưa tiến hành giải phóng mặt bằng thì cần tạm dừng lại, chờ xem xét đợt sau. Ở một số trường hợp khác như dự án trục kinh tế Bắc – Nam của Tập đoàn Nam Cường với quỹ đất đối ứng là các dự án đô thị rộng hàng nghìn ha ở Phúc Thọ, Quốc Oai, vì vẫn còn ý kiến cho rằng chưa phù hợp nên cũng phải tạm dừng, chờ nghiên cứu tiếp...”
Sau khi được tập thể UBND TP Hà Nội thông qua, danh mục các dự án được tiếp tục triển khai đợt 1 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình, ngay khi Thủ tướng duyệt đợt 1, thành phố sẽ bắt tay xây dựng ngay danh mục các dự án đợt 2. Trong đó, ưu tiên các dự án dân sinh bức xúc hoặc đang GPMB. Dự kiến, các công việc liên quan sẽ kết thúc vào tháng 11 hoặc tháng 12 - 2009, cùng lúc với việc phương án quy hoạch chung Hà Nội đã rõ. Cũng như lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp đều nhất trí quan điểm này. Giám đốc một doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) nói: “Việc rà soát càng xong sớm càng đỡ phức tạp. Thành phố nên có lộ trình cụ thể cho giai đoạn 2, nêu rõ tới bao giờ sẽ công bố cụ thể để người dân, nhà đầu tư không phải chờ đợi quá lâu...”
(Theo Phương Mai // Diễn đàn doanh nghiệp)