Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản tăng mạnh

Nhà đầu tư có thêm một cơ sở dữ liệu tham khảo để suy xét về sự sôi động của nguồn tiền trên sàn chứng khoán tháng 5 và 6 vừa qua - Ảnh: Quang Liên.

Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản của hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong hai tháng 5 và 6 vừa qua.

Ngày 17/7, Ngân hàng Nhà nước công bố các thông tin cơ bản về điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2009. Một điểm nổi bật trong hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm là dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản tăng mạnh so với cuối năm 2008.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng ước đến 30/6/2009 tăng 28,31% so với cuối năm 2008. Đây là một mức tăng mạnh, bởi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2009 cho thấy dư nợ cho vay loại này là 7.157 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 4% so với cuối năm 2008. Hiện dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán vẫn đảm bảo theo tỷ lệ quy định (tối đa 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng).

Đặc biệt, cũng theo thông tin công bố trên, dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đến 30/6/2009 ước tăng 10,48% so với cuối năm 2008. Điểm chú ý trong mức tăng này là sự thay đổi lớn so với thông tin công bố trước đó: tính đến cuối tháng 4/2009, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng là 148.451 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cuối năm 2008.

Dư nợ cho vay hai lĩnh vực trên tăng mạnh, chủ yếu tập trung trong tháng 5 và 6 vừa qua, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát để đảm bảo an toàn. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống hiện ở mức 2,52% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tăng 0,35% so với mức 2,17% vào cuối năm 2008.

“Hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ tiện ích cho nền kinh tế, góp phần tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Như vậy, với những thông tin công bố chính thức và khá cụ thể trên, nhà đầu tư đã có thêm cơ sở để suy xét về những yếu tố tác động đến hai thị trường bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua. Với riêng thị trường chứng khoán, yếu tố nguồn tiền tăng đột biến trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 (liên tiếp những phiên có tổng giá trị giao dịch từ 4.000 đến hơn 5.000 tỷ đồng) cũng có thể được giải thích một phần từ nguồn vốn vay này.

Trên thực tế, tỷ lệ cho vay của các tổ chức tín dụng trước đó đối với đầu tư, kinh doanh chứng khoán chỉ ở mức thấp (chỉ tương đương khoảng 4,4% tổng vốn điều lệ của hệ thống đến cuối tháng 4/2009) là một điều kiện để có thể đẩy mạnh. Mặt khác, lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh so với năm 2008 cũng là một yếu tố kích thích nhà đầu tư vay vốn. Yếu tố này cũng được xem là thuận lợi đối với các nhu cầu đầu tư khác, như trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và tiêu dùng…

Ngoài những thông tin trên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, ước 6 tháng đầu năm 2009, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 16,36%, huy động vốn ước tăng 16,20%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 17%.

Về định hướng trong 6 tháng đầu năm, nhà điều hành chính sách tiền tệ xác định, với điều kiện kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng đảm bảo tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 25%, tín dụng tăng khoảng 25% - 27%; theo dõi sát diễn biến khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và sự chuyển biến của kinh tế trong nước để chủ động đề xuất giải pháp phù hợp, ngăn ngừa tái diễn lạm phát cả giai đoạn 2009-2010.

(Theo Minh Đức // VnEconomy)

  • Cuộc đua lên… chuyên nghiệp
  • Chuyện đi mua căn hộ
  • Công bố dự án khu dân cư Hóc Môn
  • Mở rộng diện Việt kiều được mua nhà: Không xáo động thị trường bất động sản
  • ACBR mở thêm công ty dịch vụ địa ốc
  • Hà Nội chấp thuận 8 nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
  • Giá chung cư cũ nát tăng cao khó ngờ
  • Bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn hậu khủng hoảng (Phần 1)
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!