Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đua nhau găm biệt thự 'ma' ở Hà Nội

Trong khi diện tích đất nông nghiệp màu mỡ đang ngày càng bị thu hẹp để nhường đất cho các dự án xây dựng chung cư, nhà liền kề, biệt thự thì có đến gần 35% lượng biệt thự tại Hà Nội bị bỏ hoang nhằm tích trữ, đầu cơ.

Theo kết quả sơ bộ của Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội, sau hai tuần tiến hành kiểm tra đối với 16 dự án xây dựng của 11 chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội.

Gần 700 biệt thự “ma”

Theo Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, đối với các dự án nhà ở chung cư, hầu hết đã được xây dựng hoàn chỉnh, được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, số nhà biệt thự, nhà vườn chưa đưa vào sử dụng chiếm tỷ lệ cao, trong khi quỹ đất và vốn đầu tư vào đây rất lớn, gây lãng phí về tiền của. Kết quả kiểm tra 16 dự án với 2.684 căn biệt thự cho thấy, có 1.743 căn đã đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 65%), còn khoảng 698 căn (chiếm tỷ lệ gần 35%) chưa đưa vào sử dụng.

Một cán bộ Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, lý do số nhà biệt thự chưa đưa vào sử dụng nói trên chủ yếu do đầu tư, đầu cơ, để dành tích trữ. Ngoài ra, tại một số dự án do chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm xá, đường giao thông, đường cấp nước thiếu, điện không ổn định…, dẫn đến việc chủ sở hữu chưa muốn chuyển đến.  

Trao đổi với Đất Việt, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, thực trạng nói trên không những gây lãng phí tài nguyên, tiền của mà còn làm méo mó thị trường bất động sản. “Nông dân đã phải nhường đất, chịu mất ruộng nhưng điều đó lại không tạo ra được giá trị cho xã hội. Đó là sự lãng phí ghê gớm”, ông Hanh nói.

Quy định chưa nghiêm

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng cho rằng, ngoài sự lãng phí, việc biệt thự bị bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng còn gây thiệt hại cho xã hội, làm xấu đô thị và hình ảnh đô thị. Theo tiến sĩ Liêm: “Các đô thị sầm uất mới có thể thu hút được đầu tư. Biệt thự bỏ hoang sẽ làm xấu hình ảnh đó, giảm năng lực cạnh tranh của đô thị”, ông Liêm nói và cho rằng, biệt thự bỏ hoang còn ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân bên cạnh vì đó cũng là nơi tập trung nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút tụ tập... Cũng theo tiến sĩ Liêm, Luật Đất đai và Luật Nhà ở đã quy định chủ sử dụng đất phải có trách nhiệm đối với đất ở, nếu gây thiệt hại cho hàng xóm thì phải đền bù. Ngoài ra, theo ông Liêm, để ngăn chặn tình trạng này, cần triệt tiêu lợi ích từ đầu cơ. “Có thể áp dụng theo biện pháp của Trung Quốc đang thực hiện: khi lợi nhuận của việc kinh doanh đó quá 25% vốn bỏ ra thì mức thuế thu nhập lũy tiến rất lớn. Nếu lợi nhuận quá cao sẽ bị nhà nước thu hồi gần hết. Như vậy sẽ hạn chế được đầu cơ”, tiến sĩ Liêm đề xuất.

Theo GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, lâu nay do công tác quản lý bị buông lỏng nên nhiều doanh nghiệp chưa tập trung thực hiện quy định về chỉ tiêu kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng. Do giá đất tăng, giá nhà lên cao nên một số trường hợp doanh nghiệp “phớt lờ” quy định xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến dự án thiếu đồng bộ. “Nếu ta có quy định chặt chẽ từ đầu, dự án sai mục đích sẽ bị tịch thu toàn bộ thì chủ đầu tư sẽ không dám vi phạm”, GS Bá nói.

( Báo Đất Việt)

  • Thị trường bất động sản: Chợ chiều, giá chưa xuống nước
  • Gần 35% số biệt thự ở Hà Nội còn bỏ hoang
  • Áp lực giảm giá lớn đối với văn phòng cho thuê
  • Giải pháp vốn cho DN bất động sản
  • Thị trường BĐS Hà Nội: Không phụ thuộc nhiều vào vốn?
  • Đất "sốt" chờ Dự án Đô thị đại học
  • Thị trường mặt bằng bán lẻ: đòi hỏi nhiều hơn
  • Địa ốc TP. Hồ Chí Minh: Dự án cũ, lợi nhuận cao
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!