Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dừng cấp phép xây nhà cao tầng tại khu trung tâm Hà Nội: Thấp thỏm “ngày về”

Liên quan đến chủ trương dừng cấp phép xây dựng nhà cao quá 9 tầng trong 4 quận nội thành Hà Nội (GĐ&XH số 73, ra ngày 18/6) dù đã có một số phương án bù đắp tổn thất song doanh nghiệp và người dân vẫn chưa hết lo lắng.

Doanh nghiệp lo lỗ, còn người dân vẫn không biết số phận cụ thể của các chung cư cũ nơi họ sinh sống sẽ ra sao?

Dân lo chốn ở

Cách đây một năm, giá chung cư cũ được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước là “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh bất động sản. Nguyên do đó là những vị trí đắc địa và đang có kế hoạch cải tạo, xây mới theo chủ trương của UBND thành phố. Người ta săn lùng chung cư cũ với giá cao khiến nhiều căn hộ xập xệ, cũ nát và rộng chỉ khoảng 30m2 nhưng ở khu trung tâm cũng có thể bán được với giá 1,3 - 1,8 tỉ đồng... Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá những căn hộ này đã giảm xuống còn một nửa. Không chỉ các chủ đầu tư thu gom nhà chung cư cũ chờ cơ hội kiếm tiền mà ngay cả đa số người dân mua nhà để ở vào thời điểm đó nay đang như ngồi trên đống lửa trước quyết định dừng xây nhà cao quá 9 tầng trong nội đô.

Đi kèm với sự rớt giá của các khu chung cư cũ thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa là nỗi lo lắng của người dân sống trong các khu chung cũ thuộc 4 quận này. Ông Mã Tuấn Anh, khu tập thể Phương Mai (quận Đống Đa) lo lắng: “Trước đây, tôi vẫn khuyên các con là chịu khó sống khổ ít năm nữa thì sẽ được sống ở nhà đẹp ngay tại trung tâm vì thành phố đã cho phép cải tạo lại chung cư cũ nhưng bây giờ thì không biết thế nào nữa”. Ông Tuấn Anh cho biết dự án cải tạo lại khu chung cư mà gia đình ông đang tá túc là 15 tầng nhưng bây giờ thành phố ngừng cấp phép nhà vượt quá 9 tầng thì khó mà triển khai. Không biết những ngày tháng phải “chịu khó sống” để có nhà đẹp, ở trung tâm của ông có thành hiện thực nữa không chứ chưa nói tới việc phải chờ lâu hay mau?

Ông Nguyễn Đức Ý, nguyên tổ trưởng tổ 103, nhà C1, khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) cũng lo lắng: “Từ cuối năm 2006, 500 khẩu của 100 hộ dân sống ở nhà C1 đã phải nín thở sống trong khu chung cư sắp sập. Đến năm 2008 thì chúng tôi rời khỏi đó với dự án cải tạo lại của thành phố”. Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn với cư dân ở đây thì họ lại chìm trong lo lắng. Ông Ý và các hộ dân C1 cho hay, bây giờ chủ đầu tư mới bắt đầu hạ móng lại có quyết định dừng xây dựng. Trong khi đó, những cư dân sống tại nhà C1 đang phải di tản, tạm cư ở nhiều nơi trong suốt hơn 2 năm qua mà đến bây giờ đáp án về nơi ở cũ lại “bị chặn đường”. “Chúng tôi không biết mình còn phải tha hương 3 năm, 5 năm hay lâu hơn nữa mới được sống ổn định” – ông Ý bức xúc.

Doanh nghiệp sợ... “đền bù”!

Ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Trung tâm Bất động sản Thành Đạt phân tích: “Trên thực tế người dân đang đòi tỷ lệ 2,5 mới chấp nhận để chủ đầu tư được cải tạo lại chung cư cũ. Do đó, các nhà đầu tư buộc phải nâng mức tầng lên trên 13 tầng mới có thể sinh lãi. Bây giờ nếu cắt ngọn xuống còn 9 tầng, chắc chắn các chủ đầu tư sẽ lãnh đủ”. Tỷ lệ 2,5 mà người dân đòi, theo các chuyên gia là mức đền bù diện tích khi được tái định cư tại chỗ lúc nhà mới xây xong.

Cũng theo ông Thiều, với những phương án bù đắp tổn thất cho doanh nghiệp mà Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đưa ra là “cắt ngọn” nhà dưới 9 tầng, điều chỉnh chức năng của công trình cho phù hợp với thiết kế tổng quan, cho chủ đầu tư chuyển sang khu vực mới sau khi đền bù... cũng không thể bù đắp hết tổn thất mà doanh nghiệp phải chịu. Rất nhiều khoản chẳng thể nào “bù đắp” như chênh lệch giữa tiền thuê nhà quy định của nhà nước là 1,8 triệu đồng/tháng trong khi chủ đầu tư phải bỏ ra 4-5 triệu đồng/tháng, tiền vay ngân hàng phải “đắp chiếu” vì buộc phải dừng xây dựng... Tất cả những chi phí này, chủ đầu tư đã tính toán kỹ cho việc hoàn tất một công trình nhưng bây giờ bị dừng, “cắt ngọn” hay chuyển sang công trình mới đều tạo nên những khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Theo đó, rất có thể phương án đền bù cho người dân cũng cần phải xem xét lại.

(giadinh)

  • Chuyển đổi nhà tái định cư cho hộ dân đường Lê Văn Lương
  • Giá đất Hà Đông đi ngang, Gia Lâm tăng nhiệt
  • Sở Xây dựng e ngại căn hộ siêu nhỏ
  • Hà Nội: Kiến nghị 4 khu vực đặc thù không xây dựng nhà cao tầng
  • Từ 30-7: xây dựng đô thị, phải trồng cây xanh
  • Sau cao ốc 68 tầng, thêm cao ốc 55 tầng ở trung tâm thành phố
  • Bất động sản nghỉ dưỡng: Đi ngược dòng
  • Căn hộ giá hấp dẫn bán vẫn chậm
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!