Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dừng xây nhà cao tầng ở HN: Hàng nghìn tỷ đồng bị 'phơi nắng'

Theo ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc UBND thành phố Hà Nội tạm ngừng cấp phép các dự án cao tầng ở khu vực trung tâm, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào đây có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp có dự án.

Theo văn bản mới nhất vừa được VCCI gửi tới Văn phòng Chính phủ, đã có 7 doanh nghiệp có dự án đầu tư tại 4 quận nội thành đang bị tạm ngừng gửi công văn kiến nghị kèm theo hồ sơ pháp lý liên quan, đề nghị VCCI tập hợp và chuyển tới Văn phòng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng nghiên cứu và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Doanh nghiệp đồng tình với chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm nhưng cũng muốn
 các khó khăn sớm được tháo gỡ. Ảnh: Đức Long.

Đồng loạt kêu cứu

Danh sách 7 doanh nghiệp có kiến nghị gồm: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đầu tư dự án văn phòng cho thuê - trung tâm thương mại tại 31A Láng Hạ), quận Đống Đa, đã hoàn thành công tác di dời, đã nộp tiền sử dụng đất; Công ty CP may Thăng Long (đầu tư dự án tại 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), đã hoàn thành công tác di chuyển, đã phê duyệt giá tiền sử dụng đất); Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn cầu (dự án tại 170 La Thành, quận Đống Đa), đã nộp tiền sử dụng đất, đã nộp hồ sơ và có giấy hẹn của Sở Xây dựng); Công ty CP Trần Hưng Đạo (dự án tại 114 Mai Hắc Đế), đã nộp tiền sử dụng đất; Công ty TNHH Minh Khang (dự án tại 20 Núi Trúc), đã nộp tiền sử dụng đất và có giấy hẹn của Sở Xây dựng); Công ty CP cơ điện và Xây dựng Việt Nam (dự án tại ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa), đã nộp tiền sử dụng đất) và Công ty CP đầu tư Láng Hạ (dự án tại 1A- 1D Láng Hạ, quận Ba Đình), đã đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng và nộp tiền thuê đất).

VCCI cho biết, các doanh nghiệp đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ về bảo tồn khu phố cổ và hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Tuy nhiên, việc tạm dừng đột ngột, dừng thủ tục cuối cùng (cấp phép xây dựng) đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, để đủ điều kiện cấp phép, họ phải hoàn thiện một loạt các thủ tục có liên quan trong khoảng 3- 4 năm, thậm chí 6- 8 năm. Đặc biệt, hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào các dự án đang có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm phân loại các dự án để xác định xem dự án nào có thể cho tiếp tục triển khai. Đối với các dự án còn lại, cần có biện pháp hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Càng chậm tháo gỡ càng thiệt hại

Trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Đức Toàn, Phó giám đốc dự án nhà điều hành sản xuất, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại tại 31A Láng Hạ, quận Đống Đa, một trong 7 “khổ chủ”, cho biết tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 2.000 tỷ đồng. Tháng 3/2009, chỉ tiêu quy hoạch và phương án kiến trúc của dự án 31 tầng này đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc phê duyệt. Tính đến tháng 12/2009 (thời điểm có quyết định tạm ngừng), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, lập dự án và thuê tư vấn thiết kế. Nếu dự án được tiếp tục triển khai, doanh nghiệp sẽ nộp cho thành phố khoảng 400 tỷ đồng tiền sử dụng đất. “Chúng tôi tha thiết mong Thủ tướng sớm xem xét và sớm tháo gỡ, bởi cứ chậm ngày nào là chúng tôi lại phải chịu thiệt hại ngày đó”, ông Toàn nói.

Bà Vũ Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP dệt may Thăng Long (chủ đầu tư dự án tại 250 Minh Khai), cũng cho biết: “Dự án của chúng tôi đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc phê duyệt đầu năm 2009. Công ty đã đi vay ngân hàng 250 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất”. Tuy nhiên, theo bà Liên, công ty chưa dám nộp cho thành phố vì chưa biết dự án có được xây dựng nữa hay không. Số tiền này vẫn đang được “đắp chiếu” trong két của công ty. Trong khi đó, ngân hàng quy định số tiền này không được đầu tư vào mục đích khác. “Hằng tháng, chúng tôi vẫn phải trả lãi 17%. Chỉ cần kéo dài thêm vài tháng nữa, công ty tôi phá sản là điều chắc chắn”, bà Liên cho biết.

Theo Đất Việt

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!