Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giao dịch địa ốc nóng lòng chờ mẫu sổ chủ quyền

Giao dịch mua bán căn hộ dự án gần như không bị ảnh hưởng việc phải chờ mẫu sổ chủ quyền mới. Ảnh: Lê Toàn

Việc chưa có hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi bổ sung liên quan đến vấn đề cấp chung một giấy chủ quyền cho nhà và đất, có hiệu lực kể từ ngày 1-8, đang gây lúng túng cho cơ quan nhà nước khi tạm dừng giao dịch để chờ hướng dẫn. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng bị ảnh hưởng, đình trệ giao dịch vì phải chờ mẫu giấy chủ quyền để sang tên cho khách hàng.

Vừa giao dịch, vừa chờ

Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc ACB (ACBR) cho biết, tuy không nhiều nhưng nhìn chung, giao dịch nhà đất tại sàn giao dịch bất động của ACBR cũng bị ảnh hưởng do những vấn đề liên quan đến giấy chủ quyền nhà đất.


Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hải cho biết, giao dịch có phần chựng lại khoảng 10% so với trước đây. Ban đầu khách hàng cũng hơi do dự vì mua bất động sản mà chưa được công nhận chủ quyền - do nhà nước chưa thống nhất được mẫu giấy chủ quyền nhà và đất - nên việc mua bán triển khai chậm hơn. Vì vậy ACBR phải cố gắng giải thích cho khách hàng hiểu rằng đây chỉ là vấn đề chờ mẫu mới chứ không phải ách tắc thủ tục.

Ông Hải cho biết, hiện giao dịch vẫn diễn ra nhưng giấy tờ hồ sơ nhà đất chỉ mang đi công chứng, sau đó chờ đăng bộ sang tên khi có mẫu chủ quyền nhà đất mới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, giữa người bán và người mua phải ngồi lại với nhau để thống nhất phương án thanh toán tiền bạc khi giao dịch mua bán. Vì tình hình chờ mẫu sổ chủ quyền nhà, đất mới có thể kéo dài một hai tháng cho nên việc giao nhà, việc thanh toán cũng sẽ kéo dài theo.

Ông cho biết, vì thủ tục hiện nay như vậy nên trong quá trình mua bán, thay vì người bán nhận hết 100% số tiền thì bây giờ họ sẽ nhận khoảng 70% tổng giá trị căn nhà bán cho tới khi thủ tục đăng bộ hoàn tất. Mặt khác, người mua cũng có thể yên tâm vì hồ sơ giao dịch đã được công chứng, chỉ còn bước cuối cùng là đăng bộ sang tên.


Tuy nhiên, việc giao dich nhà đất bị đình trệ chỉ tác động đến phân khúc nhà hiện hữu, đất đã có chủ quyền, còn giao dịch căn hộ dự án hoặc đất nền dự án thì gần như không bị ảnh hưởng do việc chờ mẫu chủ quyền mới. Về hoạt động của một số sàn giao dịch bất động sản ở quận 2, TPHCM giảm kể từ đầu tháng 8 sau cơn sốt nhẹ hồi tháng 6 chủ yếu là do thị trường.


Ông Lâm Văn Chúc, giám đốc Công ty Phúc Đức, cho biết việc chờ giấy chủ quyền mới không ảnh hưởng gì nhiều tới giao dịch của sàn bất động sản của công ty này trên đường Trần Não, quận 2, TPHCM.


Ông Chúc cũng nhận định những người mua nhà, đất để ở thì quan tâm tới sổ đỏ, trong khi những người mua đầu tư thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Do vậy việc giao dịch đất nền chậm lại từ đầu tháng 8 do tác động từ thông tin ngân hàng Nhà nước siết lại tín dung cho vay bất động sản.


Ông Bùi Tiến Thắng, Phó TGĐ Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), cũng cho biết Sacomreal không bị nhiều tác động từ việc chờ giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản mới vì sàn này tập trung khá nhiều vào bất động sản dự án.


Tuy nhiên, riêng mảng dịch vụ thủ tục pháp lý kinh doanh hỗ trợ của sàn này và dịch vụ môi giới mua bán nhà hiện hữu cũng đang gặp khó khăn, và tình hình hiện nay cũng là hồ sơ cứ làm sẵn và chờ mẫu mới ra đời.


Theo số liệu từ văn phòng tiếp nhận hồ sơ của quận 12, TPHCM, hiện có cả ngàn hồ sơ nộp trước và sau ngày 1-8, có liên quan đến cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhưng chưa thể thực hiện vì đang phải chờ mẫu giấy mới. Trung bình mỗi ngày quận này tiếp nhận khoảng 65 hồ sơ nhà đất.


Tương tự, quận Bình Thạnh cũng có khoảng 300 hồ sơ nộp trước ngày 1-8 đang chờ giấy mới; quận 2 cũng có khoảng 600 hồ sơ nộp trước và sau ngày 1-8 và quận 3 trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 hồ sơ mới.

(Theo Đình Dũng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Maritime Bank cho vay tới 2 tỷ đồng để mua BĐS
  • Khởi động dự án KĐT Đông Sài Gòn
  • Việt kiều mua nhà: Không nhiều đột biến
  • Đầu cơ nhà đất lại "rục rịch"?
  • Chạy đua thu hút khách hàng
  • Nhà đất sẽ "dễ thở" hơn vào cuối năm
  • Tiềm năng & “rào cản”
  • Người Việt mua nhà tại Mỹ: Đừng tưởng dễ!
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!