Theo đó, TP nhận thấy việc triển khai lập báo cáo đầu tư Dự án là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn mà Hà Nội mong muốn Dự án quan tâm, nghiên cứu kỹ. Đó là việc phối hợp, thống nhất với các quy hoạch khác đã được Thành phố phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề môi trường, cảnh quan đô thị…
Cần đảm bảo thống nhất giữa các quy hoạch
Về quy hoạch, Thành phố cho rằng, việc lựa chọn vị trí điểm đầu tại ga kỹ thuật Ngọc Hồi (một số đoàn tàu có thể vào thẳng đến ga Hà Nội bằng việc sử dụng chung với tuyến đường sắt trên cao yên Viên - Ngọc Hồi vào thời gian ngoài giờ cao điểm) cơ bản là hợp lý, phù hợp với quy hoạch và các nghiên cứu liên quan của Thành phố.
Theo quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Trì (đã được UBND TP phê duyệt), khu vực dự kiến dành cho ga kỹ thuật này khoảng hơn 90ha đã có tính đến nhu cầu sử dụng cho ga kỹ thuật của tuyến đường sắt Bắc Nam. Thành phố đề nghị, trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, dự án cần làm rõ về nhu cầu sử dụng đất tại khu vực này (bao gồm cả các quỹ đất khai thác cho tuyến đường sắt quốc gia được cải tạo nâng cấp và tuyến đường sắt quốc gia được cải tạo nâng cấp và tuyến đường sắt đô thị số 1) để Thành phố chủ động trong việc dành quỹ đất, phục vụ yêu cầu của Dự án.
Về hướng tuyến của đường sắt cao tốc (đoạn qua địa phận Hà Nội), Dự án lựa chọn phương án 4, đó là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mới chuyên chở hành khách. Theo Thành phố, điều này về cơ bản là hợp lý, phù hợp với các định hướng phát triển giao thông đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đối với hướng tuyến nghiên cứu của dự án qua địa phận Thành phố, Bộ Giao thông Vận tải đã chọn phương án 1, đó là hướng tuyến chủ yếu đi qua các khu vực thuộc địa bàn các huyện Thanh Trì (phía nam huyện), huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Theo Thành phố, các khu vực này cơ bản hiện nay là các khu vực chưa phát triển đô thị, vì vậy, Thành phố đề nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và Tư vấn cần có sự phối hợp thống nhất với Bộ Xây dựng và Tư vấn PPJ (đơn vị tư vấn quy hoặc chung Thủ đô Hà Nội) để tạo sự gắn kết giữa tuyến đường sắt cao tốc với Quy hoạch mạng lưới đô thị, giao thông của Vùng nói chung và của Thành phố nói riêng để đảm bảo tính thống nhất giữa các Quy hoạch của Dự án.
Trong thời gian qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với cơ quan tư vấn của Koica (Hàn Quốc) tổ chức nghiên cứu Dự án đường sắt đôi điện khí hoá Hà Nội - Vinh. Vì vậy, Hà Nội đề nghị Dự án nghiên cứu hành lang tuyến đã được Dự án này xem xét để có đề xuất về hướng tuyến cụ thể.
Công bố để nhân dân nắm rõ
Về kết nối các dự án, Hà Nội đề nghị Dự án cần có điều tra khảo sát kỹ hệ thống đường ngang với đường sắt cao tốc, đảm bảo việc đấu nối và xây dựng hệ thống đường gom dọc đường sắt qua các khu dân cư.
Đoạn qua khu vực dự kiến phát triển đô thị của Thành phố, Hà Nội đề nghị chọn giải pháp xây dựng trên cầu cạn (không sử dụng nền đường đắp) để bảo đảm yêu cầu an toàn, hiệu quả trong việc quản lý, phát triển đô thị của địa phương.
Do khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án rất lớn, Thành phố đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu làm việc với các địa phương nơi có Dự án đi qua để thống nhất bố trí quỹ đất cho việc bố trí tái định cư phục vụ Dự án.
Vấn đề môi trường luôn là mối quan tâm đặc biệt của Hà Nội. Thành phố đề nghị Dự án đánh giá kỹ và áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tiếng ồn, chấn động rung và công bố để nhân dân nắm được, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện dự án.