Hai đơn vị nói trên là Công ty CP du lịch Công đoàn Tiền Giang và Viễn thông Tiền Giang, trong đó, Công ty du lịch Công đoàn là đơn vị đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất “vàng” này. Tranh chấp xảy ra từ khá lâu, song có dịp bùng lên khi Công ty du lịch Công đoàn công bố sẽ bán cổ phần rộng rãi ra công chúng. Ngay sau đó, Viễn thông Tiền Giang đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tạm ngưng việc bán đấu giá cổ phần, với lý do đây là phần đất đang tranh chấp.
Theo tài liệu của Viễn thông Tiền Giang, năm 1978, UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định cấp cho Bưu điện Tiền Giang mảnh đất 4.524 m2. Trong đó, phần đất hơn 800 m2 mà Công ty Công đoàn đang sử dụng thuộc quyền quản lý của Bưu điện Tiền Giang. Năm 1998, UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bưu điện Tiền Giang (sau này tách thành Bưu điện Tiền Giang và Viễn thông Tiền Giang), với diện tích chỉ 3.620,5m2.
Ngày 19/6/2000, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà, đất làm trụ sở làm việc cho Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang đối với diện tích đất 821,2 m2. Đây chính là phần đất được xem là “dôi ra” sau khi UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bưu điện Tiền Giang. Phần đất này được Liên đoàn lao động tỉnh làm trụ sở làm việc đến năm 2006. Sau đó, cơ quan này làm thủ tục cho Công ty du lịch Công đoàn thuê lại để kinh doanh dịch vụ du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Viễn thông Tiền Giang, năm 2006, doanh nghiệp ông có văn bản gởi UBND tỉnh và các ngành chức năng, thông báo về tính an ninh của hệ thống thiết bị của đài điện tử EWSD. Viễn thông Tiền Giang cho rằng, nếu để Công đoàn (có khai thác khách sạn) nằm ngay cạnh thì khi có nhiều khách du lịch ra vào sẽ rất khó đảm bảo vấn đề an ninh. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Bé Sáu, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang, năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc đó là ông Nguyễn Hữu Chí chủ trì cuộc họp giữa các bên và kết luận giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, UBND tỉnh không ra văn bản chính thức.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Khang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói: “Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức cho các bên đối thoại lại lần nữa nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất. UBND tỉnh đang hướng đến việc di dời Công ty du lịch Công đoàn đến nơi khác, sao cho công việc kinh doanh của công ty không bị trở ngại, thiệt thòi, vừa đảm bảo vấn đề an ninh mà Viễn thông Tiền Giang đã đặt ra. Tuy nhiên, việc chọn địa điểm mới là rất khó, vì quỹ đất của tỉnh không còn”.