Hầu hết dự án bất động sản công bố khởi công vào thời điểm cuối năm 2009 nhằm đón đầu đà hồi phục kinh tế sau khủng hoảng đều đang trong trại thái “bất động” chờ nguồn vốn.
“Cơn khát”vốn kéo dài
Trao đổi với các nhà đầu tư về thị trường bất bất động sản Việt Nam – triển vọng 2010, Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ cho rằng, 2 năm vừa qua, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.
Việc cho vay tín dụng qua thế chấp bằng bất động sản của các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ vượt giới hạn cho phép đã tác động trực tiếp vào thị trường tài chính nước này mà hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề mà cả thế giới phải đón nhận. Trong hoàn cảnh khủng hoảng như vậy, thị trường bất động sản các nước gần như không hoạt động.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển năm 2010 chỉ đạt 1,3% (trong đó Mỹ 1,5%, Nhật Bản 1,7%, các nước khu vực đồng Euro 0,3%), của các nước đang phát triển khoảng 5%.
Năm 2010, Chính phủ các nước vẫn phải tiếp tục phải vay nợ nhiều nữa. Đương nhiên là các chính phủ không thể cứ vay nợ để chi tiêu mãi mà đến khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục thì cũng là lúc chính phủ các nước sẽ phải giảm chi tăng thu để trả nợ.
Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.
Mặc dù kinh tế vĩ mô đã cơ bản phục hồi nhưng do các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nguồn cung tiền qua kênh tín dụng vào thị trường giảm nên thị trường bất động sản thiếu vốn trầm trọng.
Đó là lý do vì sao hầu hết các dự án đang triển khai đã phải ngừng lại, các dự án đã hoàn thành cũng phải vội bán vì luồng vay vốn tín dụng không còn.
Các nguồn vốn khác cũng khó có thể động viên cho thị trường.
Nguồn vốn huy động của dân không thể có vì khi bất động sản giảm giá thì không ai muốn đưa vốn vào thị trường để đầu tư.
Vốn ở trong dân
Theo ông Trần Vũ Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, nếu như trước đây, các dự án bất động sản được phát triển từ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ kiều hối thì hiện tại, nguồn vốn trong nước sẽ quyết định khả năng phát triển của thị trường địa ốc.
Với tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, rất khó để kỳ vọng vào khả năng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nguồn kiều hối đầu tư vào các dự án bất động sản trong nước (do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao).
Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Anh – các nhà đầu tư hoàn toàn có thể hy vọng vào nguồn vốn đầu tư nội địa bởi hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã có tích luỹ, đặc biệt là nguồn vốn tích trữ trong dân bằng vàng và tiền mặt là khá dồi dào. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
Đồng tình với quan điểm này, Gs.Ts Đặng Hùng Võ cho rằng, nguồn vốn có tiềm năng rất lớn có thể huy động cho thị trường bất động sản là vốn từ tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi trong dân.
Thời gian vừa qua, các nhà đầu tư đã sử dụng nhiều biện pháp để huy động nguồn tiền này cho thị trường bất động sản bằng các hình thức mua bán “nhà trên giấy” hoặc một biến thể khác là hình thức “vay vốn của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”.
Nếu khơi được nguồn vốn này là một biện pháp giải quyết vốn có chỗ đứng trong đời sống thực tế, mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà ở.
Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua cũng cho thấy những nguy cơ rủi ro rất lớn từ các thình thức huy động vốn này như: chất lượng nhà ở kém, thời hạn giao nhà chậm, nhà đầu tư đòi thêm tiền so với mức đã cam kết trong hợp đồng…
Nguy hiểm hơn, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà khách hàng không biết, người tiêu dùng chuyển nhượng vốn góp cho người khác nhưng không được pháp luật thừa nhận…
Để nguồn vốn này trở nên ổn định và là động lực cho thị trường bất động sản, theo ông Đặng Hùng Võ, hệ thống quản lý phải đưa ra được hành lang pháp lý để hạn chế những rủi ro của phương thức mua bán “nhà trên giấy” và phương thức “nhà đầu tư vay tiền người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”.
Nếu có một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả thì những hình thức huy động vốn trên sẽ là điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định cho thời gian tới./.
Hà Hưng
(VOVnews)