Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kích cầu đầu tư nhà giá rẻ: Có nên tiếp tục?

Bộ Xây dựng dự kiến xây dựng 10.000 căn hộ giá rẻ tại Hà Nội

Bộ Xây dựng dự kiến xây dựng 10.000 căn hộ giá rẻ tại Hà Nội

Gói kích cầu 1 tỷ USD sắp được dùng hết, kinh tế đang dần hồi phục. Vậy có nên tiếp tục kích cầu đầu tư thông qua dự án nhà giá rẻ?


Còn nhớ, vào trung tuần tháng 12/2008, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ cho phép trích 2.500 tỷ đồng (trong gói kích cầu 1 tỷ USD) để kích cầu thị trường xây dựng. Với số tiền này, Bộ triển khai một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP.HCM nhằm kích cầu thị trường xây dựng và bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, nếu triển khai các dự án nhà ở xã hội này sẽ giải quyết nhu cầu bức xúc của các đối tượng có thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở, góp phần kích cầu đầu tư, tạo điều kiện tăng trưởng các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ cho phép bộ được trực tiếp đầu tư và chỉ đạo các cơ quan có liên quan bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án này…

“Kích” đâu cho trúng?


Ở thời điểm Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất nói trên và cho đến nay đi nữa, vẫn còn những ý kiến tranh luận về việc có nên hay không nên kích cầu vào các dự án nhà giá rẻ.


Chẳng hạn như, theo ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty Hasinco, ngay cả khi các dự án nhà ở giá rẻ đang rầm rộ triển khai thì ông vẫn nghi ngờ về tính khả thi của dự án này. Ông Sỹ còn cho rằng, Bộ Xây dựng đã mạo hiểm, chủ quan duy ý chí vì chỉ định tư vấn thiết kế, thầu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án có quy mô lớn là vi phạm Luật đấu thầu, dễ xảy ra tiêu cực, thậm chí Nhà nước sẽ bị mất vốn. Từ góc nhìn đó, ông Sỹ kiến nghị, việc kích cầu xây dựng, đặc biệt là xây dựng hạ tầng, là việc cần thiết thậm chí đây cũng là một hình thức đầu tư cho tương lai. Còn đối với phân khúc nhà giá rẻ thì không cần thiết phải kích cầu, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng vật liệu xây dựng đang rục rịch tăng giá. Cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên để bất động sản hoạt động theo cơ chế thị trường, không nên tiếp tục “bỏ tiền” phát triển nhà ở giá rẻ bởi có thể sẽ góp phần tạo nên cơn sốt giá như thời điểm cuối 2008.


Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương khi được hỏi ý kiến nhìn nhận, kích cầu xây dựng đầu tiên phải tính đến cơ sở hạ tầng giao thông chứ không phải chỉ đơn thuần nhà ở xã hội như hiện nay. Tuy vậy, ông Chương vẫn nhấn mạnh:“Quan điểm kích cầu đơn giản nhất chính là Nhà nước làm càng ít càng tốt, bởi trong thực tế Nhà nước phải làm rất nhiều việc”. Đồng quan điểm với ông Chương, ông Phạm Thế Minh - Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam đã đưa ra nhiều luận điểm để chứng minh, xây dựng giao thông cần nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông. Trong thời điểm nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng vẫn còn một lượng lớn lao động phổ thông đang thất nghiệp thì những dự án này sẽ “gánh” phần lao động dư thừa đó. Ngay cả các ngành dịch vụ, nhất là vận tải cũng vì thế có thị trường để vận chuyển một khối lượng lớn vật tư, vật liệu.


Không chỉ các chuyên gia kinh tế, ngay cả các doanh nghiệp cũng đồng tình với quan điểm kích cầu vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là cơ hội chuẩn bị tốt hạ tầng để đón đầu cơ hội kinh tế hồi phục.


Quản lý vốn ra sao?


Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kích cầu xây dựng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý nguồn vốn không chỉ của nhà nước mà còn là của chính các doanh nghiệp.


Ông Hùng cho rằng, cần có các giải pháp giữ vững và bổ sung vốn đầu tư từ vốn nhà nước cho hai lĩnh vực chủ yếu là hạ tầng cơ sở, nhà ở và những công trình có hiệu quả cao. Trong đó cần rà soát, kiên quyết đầu tư tập trung, dứt điểm, chống dàn trải, kiên quyết đình hoãn các dự án, công trình chưa cấp bách, hiệu quả đầu tư kém. Đối với các nguồn vốn khác, theo ông Hùng, cần đưa ra các cơ chế chính sách cụ thể, đặc biệt trong thời gian trước mắt, nhằm khuyến khích đầu tư, như: giảm, giãn thời gian nộp thuế đối với hoạt động xây dựng, giảm, giãn nộp tiền thuế sử dụng đất...


Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Quang Yên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUS), còn cho rằng Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích xã hội hóa các công trình công ích. Đồng thời, các cơ quan quản lý chuyên ngành nên rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay để xóa bỏ những rào cản hành chính, thủ tục phiền hà, nhằm giải ngân tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước.


Với tư cách một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Phan Thanh Mai - Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản miền Bắc lại cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng cần tập trung rà soát lại cơ cấu trong chiến lược phát triển của mình, kiên quyết tập trung lực lượng vào các công trình trọng điểm. Đồng thời phải kiên quyết từ chối hoặc kiến nghị xử lý đình hoãn các công trình không đủ thủ tục đầu tư, tránh tình trạng vì sợ thiếu việc làm mà tham gia nhận thầu các công trình loại này (đặc biệt là thiếu vốn và không đủ điều kiện giải phóng mặt bằng).


Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp nên chủ động hợp tác sử dụng chung các thiết bị hiện có, nhằm giảm nhập thiết bị mà các đơn vị trong nước hiện có đang dư thừa năng lực. Điều này sẽ giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp…
 

* Theo Bộ Xây dựng, gói kích cầu 2.500 tỷ đồng thực hiện trong hai năm 2009 và 2010, mỗi thành phố có từ 2 đến 3 dự án. Sẽ có 10.000 căn hộ, tương đương 500.000 m2 sàn được xây dựng, bao gồm 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn cho hộ gia đình thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người tại Hà Nội và TP.HCM. Quỹ đất cho các dự án này khoảng 30 - 40 ha. Tổng mức đầu tư, bao gồm cả hạ tầng khoảng 2.500 tỷ đồng, tương đương 5 triệu đồng/m2 sàn.


* Đến hết ngày 2-7, số vốn toàn hệ thống ngân hàng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đạt hơn 372.000 tỷ đồng, tương đương 75% quy mô tổng gói kích cầu. Với tốc độ giải ngân tăng trung bình trên dưới 4% mỗi tuần như hiện nay, nhiều khả năng gói kích cầu 1 tỷ USD sẽ được dùng hết trong vòng 6 - 7 tuần tới.

 

(Theo Mai Ngọc // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Hiếm như biệt thự trung tâm cho thuê
  • Thị trường bất động sản: DN vẫn kỳ vọng vào cơ chế (Phần 1)
  • Thị trường địa ốc: Hai mặt của sự bùng nổ
  • Vincom Galleries - Hà Nội dự kiến mở cửa vào tháng 8/2009
  • Cần cơ chế mới cho doanh nghiệp bất động sản
  • Cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải chịu thuế 25% trên thu nhập chịu thuế
  • Thủ tướng chỉ đạo đấu thầu lại khu 'tam giác vàng'
  • Thị trường khu nghỉ dưỡng bắt đầu nhộn nhịp
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!