Có thông tin các nhà đầu tư phía Bắc đổ vốn vào thị trường bất động sản phía Nam khiến thị trường sôi động hơn. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến tái diễn tình trạng đô thị hoang.
Tại buổi bốc thăm giải thưởng chương trình khuyến mãi “nhận lộc đầu xuân” của dự án The Green River (khu đô thị Mỹ Phước 4, Bình Dương) do công ty Becamex IJC (chủ đầu tư) và công ty bất động sản Tấc Đất Tấc Vàng (đơn vị phân phối) tổ chức, hầu hết các giải thưởng được các nhà đầu tư đến từ các tỉnh phía Bắc “ẵm” sạch.
![]() Những khu đô thị có chủ nhưng rất ít người ở như thế này đã từng xuất hiện tại Bình Dương. |
Mua để lướt sóng
Theo đại diện nhà phân phối, 70% của 112 sản phẩm bán hết trong một giờ đồng hồ đã có tới 50% thuộc về các nhà đầu tư phía Bắc. Cũng theo vị đại diện này, không chỉ có dự án Green River mà các dự án nhà ở lớn trước đó tại Bình Dương cũng được các nhà đầu tư Hà Nội mua rất nhiều. Cụ thể như tại dự án Gold Town (thành phố mới Bình Dương) có tới 30% khách hàng từ Hà Nội mua, thậm chí có khách hàng còn đặt mua 3 – 4 nền hoặc sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng để mua sang tay ngay suất của nhà đầu tư khác…
Điều đặc biệt là giá bán mỗi căn nhà phố trong dự án này không hề thấp, căn hộ rẻ nhất là 5,1 tỉ đồng và cao nhất 7,3 tỉ đồng, tuỳ vào vị trí và diện tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ở Đồng Nai cũng có tình trạng các nhà đầu tư phía Bắc đăng ký đặt chỗ. Đó là thời điểm tháng 4.2010, khi công ty cổ phần địa ốc Đất Xanh tung ra sản phẩm dự án khu đô thị Thung Lũng Xanh (Long Thành, Đồng Nai) thì chỉ trong vòng ba ngày chào bán, hơn 450 nền đất của dự án đã được nhà đầu tư gom sạch. Ông Lương Trí Thìn, tổng giám đốc công ty Đất Xanh cho biết, có đến hơn 45% khách mua đất tại dự án trên là các nhà đầu tư từ Hà Nội.
Thời điểm hiện tại, khi công ty Tín Nghĩa chào bán dự án giai đoạn 2 thì đã có gần 100 nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc liên hệ để đặt chỗ. Tương tự, các dự án khu dân cư Long Thọ – Phước An, khu đô thị mới HUD của Nhơn Trạch cũng được rất nhiều các nhà đầu tư Hà Nội, Hải Phòng tham gia mua.
Tại TP.HCM, theo đại diện chủ đầu tư một dự án ven sông Sài Gòn (quận 7) được chào bán mới đây, có đến gần 60% khách hàng là nhà đầu tư từ phía Bắc.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa, sở dĩ có tình trạng trên là vì bất động sản tại Đồng Nai, Bình Dương có giá chỉ bằng 1/4 đến 1/5 đất tại khu vực vùng ven Hà Nội. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng là có thể sở hữu một lô đất, trong khi ở Hà Nội, phải có tiền tỉ thì mới đầu tư được.
Tái diễn đô thị không người?
Theo ông Trịnh Nguyễn Minh Thành, giám đốc quản trị công ty địa ốc Tấc Đất Tấc Vàng thì sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư phía Bắc đã khiến cho thị trường bất động sản sôi động hơn. Tuy nhiên, những khách hàng này đem vốn bỏ vào thị trường nhà đất ở phía Nam là hy vọng có thể lướt sóng kiếm lời chứ rất ít khách hàng mua để ở. “Chính cách đầu tư này là nỗi lo hình thành những khu đô thị vắng lặng không người ở vì giá được đẩy lên quá cao, không ai mua nổi”, ông Thành nhận xét.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng phân tích, không kể nhà đầu tư Bắc hay Nam mà một dự án bán ra có nhiều đối tượng khách hàng mua để lướt sóng thì khu đô thị ấy sẽ đẻ ra nhiều hệ luỵ như: giá bị đẩy lên quá xa giá trị thực; căn hộ, nền đất qua nhiều đời chủ nhưng không có ai ở; không ai xây nhà…
Vị chuyên gia này khẳng định, những hệ luỵ này đã xảy ra tại các dự án nhà ở tại khu đô thị Mỹ Phước 3, 4; các dự án khu dân cư, khu đô thị tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và một vài dự án nhà ở khác của TP.HCM… gây ra bong bóng bất động sản, mất uy tín của các chủ đầu tư, tạo khó khăn cho việc quản lý của các cơ quan chức năng…
Hiện nay, để bảo vệ uy tín của mình, nhiều doanh nghiệp đã dùng nhiều chiêu nhằm hạn chế bớt sự đầu cơ lướt sóng nhưng vẫn đảm bảo được doanh thu. Cụ thể là trường hợp tại dự án Thung Lũng Xanh. Chủ đầu tư đã thay đổi hẳn nhà phân phối vì khách hàng của nhà phân phối này chủ yếu là từ các tỉnh phía Bắc. Ông Phạm Văn Hà, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Long Thuận Lộc (chủ đầu tư dự án), cho biết sau khi bán xong 400 nền đất trong đợt một thì lần bán tiếp 400 nền đất đợt hai vào tháng 7 này đã yêu cầu đơn vị tiếp thị môi giới mới ưu tiên bán sản phẩm cho những khách hàng địa phương và hạn chế những khách hàng mua đầu tư chứ không xây, ở.
“Sở dĩ chúng tôi yêu cầu như vậy vì không muốn làm giá đất tại địa phương do nhà đầu tư mua đi bán lại tăng đột biến và mặt khác, khi cư dân địa phương mua ở thì tỷ lệ xây dựng sẽ nhanh, giúp lấp đầy khu đô thị”, ông Hà nói.
(bài và ảnh: V. Nguyên // SGTT Online)