Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiêu khê chuyện mua nhà giá thấp tại Hà Nội

821 hồ sơ đăng ký mua nhà giá thấp tại Chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm của CTCP Vinaconex Xuân Mai bị loại với lý do không có hộ khẩu thường trú tại các quận gần dự án là Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa. Mất nhiều công sức, thời gian đi lại để hoàn thiện thủ tục, nhưng hồ sơ bị loại vì một lý do "không mấy hợp lý" khiến không ít khách hàng bức xúc với quy định của UBND TP. Hà Nội.

Khổ người mua

Vinaconex Xuân Mai cho biết, căn cứ theo Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND của Thành phố, Công ty đã chấm điểm tất cả số hồ sơ trên và chuẩn bị công bố danh sách những khách hàng được bốc thăm mua nhà. Trong tổng số 1.576 hồ sơ đã tiếp nhận, có 122 hồ sơ thuộc các hộ gia đình diện chính sách của Thành phố, 633 hồ sơ có hộ khẩu thường trú tại các quận gần dự án là Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa và 821 hồ sơ thuộc các quận khác.

Đùng một cái, UBND TP. Hà Nội lại ra Công văn 8836/UBND-XD ngày 1/11/2010 hướng dẫn cụ thể việc giải quyết hồ sơ bán nhà tại dự án này. Theo đó, đối tượng được mua nhà phải là các hộ dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, trong đó, ưu tiên giải quyết đối tượng thuộc diện gia đình chính sách của Thành phố; có hộ khẩu thường trú tại các quận gần địa điểm dự án là Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa. Vậy là hơn 800 hồ sơ bị loại.

Chị Hòa, một khách hàng ở quận Hai Bà Trưng, bức xúc cho biết, để hoàn tất hồ sơ, xin chứng nhận của tổ dân phố, phường, rồi cơ quan hai bên, vợ chồng chị mất cả tuần chạy tới chạy lui, đi nộp hồ sơ thì chen toát mồ hôi, đến lượt thì bị trả lại chỉ vì phường xác nhận gia đình chị "chưa có nhà và đang ở cùng với bố mẹ đẻ", nhân viên tiếp nhận hồ sơ yêu cầu xác nhận lại, sửa mỗi chữ "đang ở cùng" thành "đang ở nhờ". Đang mang thai tháng thứ 4, do chồng là bộ đội công tác xa, mình chị phải lặn lội đi hàng chục cây số từ chỗ ở đến nơi nộp hồ sơ (trụ sở Vinaconex Xuân Mai tại Xuân Mai). Vậy mà giờ hồ sơ không được chấp nhận.

"Tại sao Thành phố không thông báo từ khi DN bắt đầu nhận hồ sơ để người dân đỡ mất thời gian và công sức đi lại, DN đỡ phải lãng phí nhân sự tiếp nhận và sàng lọc hồ sơ", chị Hòa bức xúc.

Anh Hải, có hộ khẩu thường trú tại quận Hoàng Mai cũng phải xin xác nhận lên xuống rồi nộp đi nộp lại hồ sơ tới 2 lần chỉ vì phường xác nhận đó đúng là chữ ký của tổ trưởng dân phố và những lời của ông ta là đúng. Chờ chực tới vài buổi mới nộp được hồ sơ, nay lại không được tham gia vì lý do không gần dự án, khiến anh Hải rất thất vọng. Anh bực bội: "Thành phố nói là vì chúng tôi có hộ khẩu thường trú tại quận không gần dự án, giá như mấy bác chịu khó đi đo lại thì thấy khoảng cách từ nhà bố mẹ tôi đang ở nhờ đến dự án hiện nay còn gần hơn nhiều so với những người có hộ khẩu tại Đống Đa. Hơn nữa, tại sao không cho phép người dân các quận được tiếp cận cơ hội mua nhà một cách công bằng rồi chuyển hộ khẩu cho tiện sinh hoạt. Mua nhà giá thấp không khác gì đi xin một đặc ân. Quá khổ".

Khổ cả người bán


Theo thông báo của Hà Nội thì hơn 800 hồ sơ kia sẽ được Vinaconex Xuân Mai chuyển sang các dự án nhà thu nhập thấp khác. Tuy nhiên, từ nay cho tới khi các dự án chưa công bố nhận hồ sơ thì Công ty có phải lưu giữ và giữ đến bao giờ thì chính Công ty cũng không biết. Hơn nữa, liệu khi chuyển sang dự án mới, Công ty có mất thời gian và chi phí thông báo cho từng khách hàng để họ còn biết mà theo dõi? Đó là chưa kể thời gian từ khi hồ sơ được xác nhận đến thời điểm các DN bán nhà, điều kiện về nơi ở của khách hàng thay đổi và liệu họ có tiếp tục muốn mua nhà giá thấp!?

Việc UBND TP. Hà Nội đưa ra yêu cầu ưu tiên cho các quận gần dự án, theo lời của một chuyên gia về bất động sản, là tạo thêm thủ tục hành chính trong việc bán nhà thu nhập thấp. Thay vì để DN chủ động có kế hoạch bán nhà và tiếp nhận hồ sơ theo các quy định chung, mỗi DN ở mỗi dự án lại phải chờ quyết định của UBND TP. Hà Nội, nếu không lại rơi vào cảnh "cầm đèn chạy trước ô tô" như Vinaconex Xuân Mai và gây lãng phí, bức xúc cho khách hàng.

Lợi nhuận của mỗi dự án nhà thu nhập thấp theo ước tính chung của các DN là khoảng 10% trên doanh thu, thấp hơn nhiều so với các dự án bất động sản khác. Để khuyến khích DN triển khai nhiều dự án này (không vì được đổi đặc quyền khác) thì cơ chế cấp phép đầu tư cũng như tăng tính chủ động cho DN trong việc bán nhà (đảm bảo đúng đối tượng) cần được ưu tiên, thay vì "hành" cả người mua và người bán như hiện nay.

(Đầu tư chứng khoán điện tử)

  • “Khung giá đất năm 2011 sẽ được giữ nguyên”
  • Khởi động dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ
  • Cải tạo chung cư cũ: Nới chính sách, vẫn lo chuyện mặt bằng
  • 80% giao dịch bất động sản là “mua bán chui”
  • Định hướng phát triển thị trường bất động sản
  • Vinaland bán 85% vốn dự án Khu phức hợp Mandarin Garden
  • VinaCapital tiếp tục thoái vốn
  • Lựa chọn thông minh với căn hộ nghỉ dưỡng
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!