Một phương thức đỡ tốn tiền hơn mua căn hộ hoặc biệt thự nghỉ dưỡng là mua thẻ Sở hữu kỳ nghỉ, hay còn gọi là timeshare hoặc vacation ownership.
Cách đây 2 năm, ông Karl Derek John -Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư du lịch TCK Group nhận định rằng, trước sau gì thì hình thức Sở hữu kỳ nghỉ cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Và nhà tư vấn này cũng đoán rằng, phương thức kinh doanh này chắc chắn sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2010 khi Nha Trang Plaza, một trong những khách sạn đầu tiên áp dụng mô hình timeshare, sẽ chính thức khai trương.
Nhà tiên phong: Sea Links Golf Resort
Tiên đoán của Karl Derek John hoàn toàn đúng, nhưng có điều, nó trở thành hiện thực sớm hơn những gì ông nhận định. Mới đây, thông qua tư vấn của Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn Phương Nam (SAPro), Tập đoàn Rạng Đông đã chính thức áp dụng mô hình Sở hữu kỳ nghỉ tại khu phức hợp Sea Links Golf Resort ở Phan Thiết. Đồng thời, Rạng Đông cũng ký kết với Tập đoàn trao đổi kỳ nghỉ Resort Condominium International (RCI) về trao đổi kỳ nghỉ giữa Sea Links với bất cứ khu nghỉ nào trong hệ thống RCI trên toàn thế giới.
Ngoài khu nghỉ dưỡng phát hành thẻ, chủ thẻ còn có thể nghỉ ở hàng trăm khu nghỉ dưỡng khác trên thế giới
Dự kiến, sẽ có từ 500 - 1.000 thẻ Sở hữu kỳ nghỉ Sea Links được tung ra thị trường với giá từ 12.000 - 15.000USD. Người mua thẻ có thể chọn một trong 52 tuần trong năm để nghỉ dưỡng miễn phí tại Sea Links Golf Resort và thẻ này có giá trị trong vòng 20 năm. Ngoài ra, chủ sở hữu thẻ còn có thể trao đổi kỳ nghỉ với bất kỳ trong tổng số 4.000 khu nghỉ dưỡng thuộc hệ thống RCI trên toàn thế giới mà cũng không phải trả tiền phòng cho kỳ nghỉ của mình. Ông Lê Minh Trí, Tổng giám đốc SAPro, giải thích rằng, việc có thể trao đổi kỳ nghỉ giữa Sea Links và các khu nghỉ thuộc hệ thống RCI sẽ giúp chủ sở hữu thẻ giảm những gánh nặng về việc tìm nơi đi du lịch nước ngoài cũng như tiết kiệm được một khoản tiền phòng.
Tiện ích đáng kể
Mô hình Sở hữu kỳ nghỉ đặc biệt phù hợp với những người đi du lịch theo nhóm vì giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Một chủ sở hữu thẻ có thể dẫn tới 6 người đi kèm để ở trong một biệt thự rộng vài trăm m2, tức là tiền phòng tính bình quân cho mỗi người chỉ gần 30 USD/đêm so với 250 USD mà người đó phải trả cho chính biệt thự đó nếu đặt phòng trực tiếp.
Ông Karl Derek John cho rằng, Sở hữu kỳ nghỉ đem lại những tiện ích rất lớn cho chủ thẻ. Mặc dù việc sở hữu một biệt thự hoặc căn hộ trong một khu nghỉ dưỡng hạng sang có sức hấp dẫn rất lớn nhưng không phải ai cũng rủng rỉnh tiền để mua bất động sản loại này. Hơn nữa, những gánh nặng về chi phí quản lý và bảo trì hàng năm cũng làm giảm đi sức hấp dẫn của việc mua bất động sản du lịch. Vì thế, những người ưa thích du lịch có thể lựa chọn mô hình Sở hữu kỳ nghỉ với chi phí thấp hơn và vẫn có thể ở những khu căn hộ, biệt thự danh tiếng. Thực chất, mua thẻ Sở hữu kỳ nghỉ là mua kỳ nghỉ cho nhiều năm trong tương lai với giá tiền cố định hiện tại và người đi nghỉ không phải chịu áp lực về giá phòng khách sạn tăng hàng năm.
Hơn nữa, nếu mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, chủ sở hữu chỉ được nghỉ miễn phí trong bất động sản họ sở hữu. Trong khi đó, bên cạnh việc nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng phát hành thẻ, chủ sở hữu thẻ còn có thể nghỉ ở hàng trăm khu nghỉ dưỡng khác trên thế giới nhờ tiện ích của hệ thống trao đổi kỳ nghỉ. Theo ông Karl Derek John, hệ thống trao đổi kỳ nghỉ được vận hành như sau: Nhà phát triển khu nghỉ dưỡng thiết lập quan hệ với một tập đoàn trao đổi kỳ nghỉ và những người mua thẻ sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng này sẽ trở thành thành viên của hệ thống trao đổi kỳ nghỉ. Để tham gia hệ thống, mỗi thành viên phải ký gửi một tuần nghỉ dưỡng vào mạng lưới đó. Khi một thành viên sử dụng kỳ nghỉ trong hệ thống trao đổi kỳ nghỉ thì họ sẽ phải trả phí cho hệ thống đó. Thông thường thì nhà phát triển dự án sẽ trả khoản phí này cho thành viên trong năm đầu tiên, còn những năm tiếp theo thì thành viên phải trả trực tiếp cho nhà điều hành hệ thống đó.
Mô hình này có có những tiện ích khác như những người chủ sở hữu kỳ nghỉ có thể bán lại thời gian nghỉ dưỡng không sử dụng trong tương lai cho người khác, hoặc có thể yêu cầu người quản lý cho thuê, cho mượn hoặc thừa kế thẻ nếu không sử dụng. Tuy nhiên, người chủ sở hữu thẻ phải trả phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm cho khu nghỉ phát hành thẻ như phí lau dọn và sửa soạn nơi ở trước khi nhận phòng, phí sử dụng nước tối đa cho 7 ngày, phí sử dụng điện, gas, dầu, ga trải giường và các vật dụng phòng tắm v.v… Những khoản phí này không tính đối với những người thực hiện trao đổi kỳ nghỉ.
Chủ đầu tư từ khu nhà nghỉ phải định hướng từ đầu
Mô hình Sở hữu kỳ nghỉ đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới với sự tham gia của trên 6.000 khu nghỉ dưỡng với các thương hiệu như Hilton, Marriott, Ritz-Carlton. Các tập đoàn quản lý khách sạn cũng có những hệ thống trao đổi kỳ nghỉ riêng như Starwood Vacation Ownership, Hyatt Vacation Club hay Hilton Grand Vacations Club. Việc phát hành và bán thẻ Sở hữu kỳ nghỉ sẽ giúp các nhà phát triển dự án khu nghỉ dưỡng thu hồi một phần vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Trí, các khách sạn, khu nghỉ ở Việt Nam từ trước đến nay không áp dụng mô hình này có thể là do định hướng kinh doanh của họ. Mặt khác, đây là mô hình mới nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thật sâu để sản phẩm có thể phù hợp với văn hóa đi nghỉ dưỡng của người Việt Nam. Ông Trí cho rằng, mô hình sở hữu kỳ nghỉ không quá phức tạp nhưng để áp dụng được đòi hỏi các khu nghỉ dưỡng phải có định hướng xây dựng từ ban đầu về chủng loại phòng, quy mô, các công trình tiện ích, vị trí. Không những thế, các khu nghỉ dưỡng phải được quản lý theo quy trình đảm bảo chất lượng quốc tế và đặc biệt là phải đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên liên kết trong hệ thống trao đổi của tập đoàn trao đổi kỳ nghỉ.
Ông Trí tin rằng, với những đặc tính độc đáo vốn có của nó, mô hình Sở hữu kỳ nghỉ sẽ thích nghi và phát triển tại Việt Nam, nơi mà việc nghỉ dưỡng hàng năm đang dần trở thành thói quen. Ngoài ra, khả năng trao đổi với các khu nghỉ dưỡng trên thế giới, sự linh động về số người đi cùng… cũng là một trong những điểm giúp mô hình này hấp dẫn hơn và dễ dàng được chấp nhận bởi khách hàng Việt. “Tôi cho rằng, đây sẽ là khuynh hướng phát triển tất yếu của thị trường du lịch Việt Nam trong thời gian tới cũng như mô hình này sẽ nhanh chóng được nhân rộng tại các khu nghỉ dưỡng có chất lượng khác”, ông Trí kết luận.
(Theo Hà Linh // Diễn đàn doanh nghiệp)