Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Thị trường căn hộ Hà Nội đang rất gần đáy”

picture
Tỷ lệ người quan tâm, tìm mua nhà đã tăng lên trong quý 2 vừa qua.

Công ty CBRE Việt Nam vừa đưa ra báo cáo nhận định thị trường nhà Hà Nội tính đến tháng 7/2012.

Theo các chuyên gia của CBRE, thị trường Hà Nội hiện vẫn tiếp tục xu thế giảm giá, bắt đầu từ đầu năm 2011, khi mà giá căn hộ tại nhiều khu vực bắt đầu giảm nhẹ rồi lao dốc trong những tháng cuối năm. Thế nên, sau gần 2 năm trầm lắng, thị trường gần như đóng băng giao dịch, câu hỏi được giới đầu tư lẫn người dân quan tâm nhất vào lúc này là “liệu thị trường đã chạm đáy chưa?”.

Quan sát của CBRE cho thấy, do giá nhà tại Hà Nội vẫn giảm mạnh trong quý 2/2012 vừa qua, nên dường như thị trường vẫn chưa chạm đáy. Tuy nhiên, trong thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của thị trường đang dần được định hình, qua đó có thể thấy, thị trường rất có thể đang ở rất gần “đáy” sau một thời gian dài tụt dốc thê thảm.

Khảo sát của CBRE cũng chỉ ra rằng, sau hàng loạt động thái tích cực của cơ quan quản lý, trong đó nổi lên là việc lên tiếp hạ lãi suất của ngành ngân hàng từ 14% xuống còn 9% chỉ trong 3 tháng, đã tác động ít nhiều đến giới đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu mua bất động sản. Tỷ lệ người quan tâm, tìm hiểu thông tin, hỏi mua căn hộ, nhà đất cũng đã tăng nhất định trong một vài tháng trở lại đây.

Song đáng kể nhất vẫn là việc nhiều ngân hàng cùng áp lãi suất cho vay mua nhà ở mức 16% bằng với lãi suất hai năm trước khi thị trường rơi vào suy thoái đã tạo động lực và mơ ước sở hữu căn hộ của khá nhiều người dân gần hơn với hiện thực.

Trong khi đó, xét về vĩ mô, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như lạm phát hạ nhiệt, giá nhiều mặt hàng giảm cũng đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi sớm hơn. Trong thời gian tới, nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân, qua đó cũng tác động gián tiếp đến tính thanh khoản trên thị trường bất động sản bởi hiện giá cả và nguồn cung trên thị trường đang được cho là ủng hộ người mua hơn bao giờ hết.

Theo CBRE, hiện trên thị trường, hầu như các chủ đầu tư đang bước vào cuộc chạy đua để kích cầu thông qua hàng loạt các hình thức khuyến mại, giảm giá, chiết khấu, tặng nội thất…nhằm thu hút khách hàng đến với dự án của mình, qua đó tăng tỷ lệ bán hàng, quay vòng đồng vốn.

Tuy nhiên, khách hàng cũng cần phải cẩn trọng hơn trong mỗi chiến lược giảm giá, khuyến mại của chủ đầu tư, bởi theo CBRE “không bữa trưa nào là  miễn phí”, hay nói nôm na là “tiền nào của nấy”, người mua ở những dự án này có thể sẽ được hưởng lợi từ những khoản giảm giá lớn, nhưng đổi lại họ phải chịu rủi ro tiềm ẩn về chất lượng hoặc bàn giao chậm nếu dự án không thu hút đủ vốn từ việc bán hàng.

CBRE cho rằng, quan trọng là tiến độ xây dựng thực sự của các dự án bởi nếu là những chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn, họ không vội vàng tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá quyết liệt này, mà vẫn âm thầm giữ tiến độ xây dựng tốt trong khi chờ đợi thị trường đổi chiều, đồng thời cân nhắc giải pháp tốt nhất.

Lời khuyên từ các chuyên gia của CBRE rằng, trong mọi trường hợp, cạnh tranh bằng chất lượng nên được ưu tiên. Bởi lẽ, cạnh tranh bằng giá sẽ khiến người mua chờ đợi giá tiếp tục giảm hoặc chờ những hình thức khuyến mại hấp dẫn hơn khi các chủ đầu tư tìm cách vượt lên trên cuộc đua bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi lớn hơn nữa. Thay vào đó, chủ đầu tư nên tập trung định vị chỗ đứng của mình bằng những nét độc đáo riêng của dự án.

“Các chủ đầu tư với nguồn tài chính mạnh thường không đưa ra các gói khuyến mại lớn, do họ có đủ khả năng hoàn thiện dự án và đợi thị trường hồi phục. Trong khi đó, một số chủ đầu tư khác sẽ sử dụng chiến lược khuyến mại lớn. Chiến lược này một mặt thể hiện nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư, nhưng mặt khác lại có thể đưa ra thông điệp rằng công ty đang thiếu tiền mặt trầm trọng”, báo cáo nêu rõ.

(Theo Vneconomy)

  • Phía sau chuyện ngân hàng kích cầu bất động sản
  • Doanh nghiệp bất động sản bao giờ “thoát hiểm”?
  • Hai thế đối nghịch trên thị trường bất động sản
  • Doanh nghiệp bất động sản báo lãi “tượng trưng”, tồn kho hàng nghìn tỷ
  • Bất động sản: Nỗi khiếp sợ mang tên Đại lộ Thăng Long
  • Điểm mặt 'đại gia' ôm đất vàng rồi bỏ hoang
  • Thí điểm đầu tư PPP: rất chậm
  • Phí chung cư: Sắp bỏ trần 4.000 đồng/m2
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!