Nhiều dự án đô thị mới ở Hà Nội tăng giá đột biến. Ảnh: Đàm Duy |
- Những ngày qua, cùng với sự tăng đột biến của giá vàng, dư luận lại xôn xao về cơn sốt giá bất động sản (BĐS) ở Hà Nội. Tại không ít dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội cũng như ở nhiều nơi trong nội thành, giá nhà, đất đang tăng lên hàng tuần. Vì sao lại có tình trạng này?
Nhiều dự án khu đô thị mới tăng giá
Có thể nói, hầu hết nhà, đất ở các dự án đô thị mới, khu chung cư ở Hà Nội đều tăng giá khá mạnh. Đơn cử, dự án Khu chung cư cao cấp "Đông Nam Trần Duy Hưng" của Công ty Vinaconex là một trong những dự án đang được giới đầu tư đánh giá "hot nhất" ở phía Tây Hà Nội. Giá gốc của 1 mét vuông nhà chung cư ở đây là 24 triệu đồng/m2, vào thời điểm tháng 6-2009 giao dịch ở mức 25-27 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay bị đẩy lên với giá 31,5 - 33,5 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí từng căn hộ), nhưng cũng không có hàng. Đối diện phía bên kia đường Hoàng Đạo Thúy là tòa nhà 34 T Vinaconex (chung cư cao nhất Hà Nội) cũng đang được giao dịch với giá 34,5-35,5 triệu đồng/m2 (tăng hơn 12% so với giá của 3 tháng trước). Giá bán các căn hộ tái định cư ở Khu đô thị Nam Trung Yên cũng tăng trên 10%, mà cũng ít người rao bán... Đặc biệt, 300 căn hộ chung cư của dự án FLC Landmark Tower ở Mỹ Đình (Từ Liêm) do Công ty CP Tài chính Ninh Bắc làm chủ đầu tư đã được bán hết veo(dưới hình thức hợp đồng góp vốn) với giá bình quân 23,5 triệu đồng/m2, ngay khi vừa tung ra thị trường.
Gần đây nhất, ngày 14-11, khi Tập đoàn Nam Cường tiến hành bốc thăm đợt 2 quyền mua căn hộ chung cư Lê Văn Lương Residentials cụm CT7, CT8 và khu khách sạn thương mại nhà ở HH02 thuộc đô thị mới Dương Nội, người ta đã chen nhau tới để mong bốc thăm mua được 1 suất nhà chung cư (giá dao động từ 880 USD đến 1.200 USD/m2). Bên cạnh những người có nhu cầu mua thật, có không ít nhà đầu cơ, khách từ tỉnh ngoài cũng đổ xô về mua càng làm tăng thêm sức nóng của thị trường. Người mua chen chúc nhau, gây náo động cả tòa nhà Licogi 13 nằm trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân). Có người vừa bốc thăm trúng đã bán trao tay ngay, hưởng chênh lệch giá từ 50-80 triệu đồng/suất... Dự án Khu đô thị mới Tân Tây Đô (Đan Phượng) cách đây gần 1 năm chỉ có giá 7,5-8,5 triệu đồng/m2 đất (nhà liền kề) thì nay đã được "thổi lên" tới 14-15 triệu đồng/m2 (tăng gần 100%). Nhà chưa thấy đâu, nhưng người mua - kẻ bán cứ đua nhau vào ầm ầm...
Nhà đất tăng theo vàng!
Giá BĐS không chỉ tăng nhanh ở các dự án đô thị, khu chung cư mới, mà còn tăng mạnh cả ở các khu chung cư cũ, cũng như trong các khu phố nội thành. Trong vai người đi tìm mua BĐS, chúng tôi vào một văn phòng nhà đất trên phố Lý Thường Kiệt: Một ngôi nhà 3,5 tầng (khoảng 40m2 mặt bằng) tại khu gia binh trên phố Lý Nam Đế mới vài hôm trước được rao bán với giá 5,2 tỷ đồng, nhưng khi văn phòng gọi điện cho chủ nhà thì được thông báo giá mới là 6,5 tỷ đồng do giá vàng tăng! Cũng với lý do như vậy, một chủ nhà (mặt ngõ rộng khoảng 6m) đòi giá tới 200 triệu đồng/m2. Qua đó cho thấy giá nhà đất ở các phố chính như Bà Triệu, Hàng Ngang, Hàng Đào... chắc sẽ còn đắt hơn nhiều lần.
Còn chuyện các căn hộ chung cư cũ như Kim Liên, Ngọc Khánh, Thành Công... có giá bán trên 1 tỷ/căn nay hầu như đã trở thành dĩ vãng, khi không ít căn hộ chung cư ở các khu TT cũ này hiện được giao dịch với giá trên 2 tỷ đồng (nghĩa là khoảng trên 20 triệu đồng/m2). Chị Kim Thanh (khu TT số 6 Lê Thánh Tông) cho biết, căn hộ chung cư cũ tầng 5 của chị đã có người trả ngót nghét 2 tỷ đồng (tính ra hơn 25 triệu đồng/m2) nhưng chị cũng không bán vì nơi đây là trung tâm. Theo ông Nguyễn Học Đức, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Đức Việt, giá vàng tăng đã góp phần đẩy giá BĐS tăng mạnh. Thực tế cho thấy, những người đi tìm mua nhà để ở vì nhu cầu thật cũng có, nhưng không nhiều, chủ yếu là do mục đích đầu cơ hoặc sợ tiền mất giá...
Giá BĐS đã bị đẩy vượt giá trị thực - vì sao?
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện giá BĐS đang bị đẩy cao hơn giá trị thực, bởi một phần là do lượng cung vẫn ít hơn so với cầu. Trong lượng cầu bên cạnh "cầu thật" lại có khá nhiều "cầu ảo" (nghĩa là mua nhà để đầu cơ, chứ không phải mua nhà để ở). Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tâm lý tích trữ vẫn nặng nề trong dân và BĐS vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, nhất là khi lượng cung về nhà đất ở Hà Nội vẫn còn ít. Mặt khác, một số nhà đầu tư sau khi "thắng" chứng khoán, đã chuyển tiền sang mua BĐS, đặc biệt là săn tìm mua nhà ở các dự án mới ở Hà Nội...
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở lớn trên địa bàn Hà Nội, việc thị trường BĐS sôi động trở lại trong những tháng gần đây là dấu hiệu tốt đối với các nhà đầu tư. Qua quan sát có thể thấy dấu hiệu sôi động diễn ra ở vài khu vực có dự án, do lượng hàng đưa ra ít, trong khi nhu cầu mua khá lớn. Sang năm 2010, ông Quý cho rằng sẽ có nhiều dự án "xả hàng" nên ít khả năng biến động lớn về giá và người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra, theo một số chuyên gia dự báo, sắp tới nguồn cung chung cư sẽ được lấp đầy do 240 đồ án được tiếp tục triển khai. Điều này dẫn đến "cơn sốt" giá chung cư dần dần được hạ nhiệt.
Nhận định về thị trường BĐS Hà Nội quý IV-2009, Công ty Savill Việt Nam cho rằng sẽ không có biến động lớn. Về giá, nhà hạng trung giá có vẻ tăng cao, trong khi nhà cao cấp tăng ít là do loại nhà này vốn đã có mặt bằng giá cao ngay từ khi đưa ra thị trường sơ cấp (trực tiếp từ chủ đầu tư).
Theo giới kinh doanh BĐS, giá nhà đất bị đẩy lên vượt giá trị thực còn do "tâm lý đám đông" của người dân với hy vọng thu lợi nhuận, đồng thời do thời gian qua, giá vàng thế giới, đặc biệt giá vàng trong nước tăng nên BĐS được nhiều người quan tâm. Mặt khác giới kinh doanh BĐS còn cho rằng, chính chủ đầu tư cũng sử dụng chiêu nâng giá bằng cách tự mua - bán "hàng" của mình, găm hàng, đưa hàng ra nhỏ giọt... đến khi đạt được mức giá cao như ý muốn. Phải chăng đó là một phần thực chất cơn sốt giá nhà đất mới ở Hà Nội hiện nay.
(Theo Trọng Quang - Gia Khánh // Hanoimoi Online)