Theo tôi, về mục tiêu 1, đối tượng chịu thuế không phải là toàn bộ đất mà chỉ là đất ở và đất kinh doanh phi nông nghiệp, vì vậy chỉ liên quan đến việc sử dụng loại đất này. Mục tiêu là hợp lý nhưng muốn khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả thì thuế suất phải đủ lớn. Dự thảo luật quy định thuế suất tối đa chưa đến 1/1000 thì chưa đủ sức tác động.
Về mục tiêu 2, trong tờ trình không có định nghĩa về đầu cơ đất nên khó bình luận. Hiện nay số lượng người đầu cơ đất là bao nhiêu mà lại phải đánh thuế vào hàng chục triệu người để chống lại ? Vả lại với mức thuế quá thấp thì cũng không chống được. Thuế phải có mục tiêu cụ thể.
Cũng phải nói thêm rằng, mức thuế quy định trong dự thảo cũng không tác động đến thị trường, bởi đánh thuế vào lúc sau khi đưa nhà vào sử dụng chứ không phải đánh vào lúc xây. Cũng không phải đánh thuế vào nhà đầu tư, vì nhà đầu tư có thuế GTGT, mà đánh thuế vào người mua để dùng. Tuy nhiên, dự thảo lần này cũng thể hiện tác dụng hạn chế chuyển nhượng bất động sản chui, vì nếu không làm thủ tục chuyển nhượng kịp thời và hợp pháp thì chủ cũ phải tiếp tục đóng thuế. Việc thu thuế còn có tác dụng làm rõ ai hiện đang có quyền sử dụng đất đến đâu và đóng thuế từ lúc nào, ai là chủ sở hữu nhà ở, vì vậy, tuy khoản 2 điều 4 dự thảo quy định rằng “Việc nộp thuế không phải là công nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế” nhưng cũng là gián tiếp xác nhận các quyền đó, cho nên phải hết sức cẩn thận xác minh đối tượng nộp thuế và diện tích nhà, đất tính thuế. Ngoài tác động nói trên ra thì thuế nhà, đất không liên quan gì đến phát triển thị trường bất động sản.
Về mục tiêu 4: thuế hiển nhiên là đóng góp vào ngân sách nhà nước nhưng cũng là công cụ điều tiết sự phân phối thu nhập. Nhưng mục tiêu này có đạt được hay không còn phải xem thuế suất và biểu thuế.
Thuế suất không hợp lý là cả nước ta nơi nào cũng như nơi nào, tính cào bằng là không đúng. Ở các nước, thuế, tài sản thuế nhà đất là 1 loại thuế địa phương mà dự thảo không nói được rõ, tức là tạo ra ngân sách điạ phương. Phải tuỳ địa phương có những nguồn nào mà đánh thuế vào người dân ở địa phương đó.
Thông thường thuế nhà đất các nước chiếm đến 30% ngân sách đô thị, thậm chí cao hơn, đối với những nơi hoạt động kinh doanh ít hơn. Đó là tỷ lệ không nhỏ. Việc thu này cần cho ngân sách địa phương, đặc biệt các địa phương kém phát triển.
Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta ở giai đoạn này là để cho người dân làm quen với loại thuế này, nên chúng ta nên đưa vào thực tế áp dựng cho quen, rồi sửa đổi bổ sung dần dần. Miễn là ngay từ lúc đầu nguyên tắc là phải quán triệt, đô thị mức thuế phải cao hơn nông thôn, bởi thuế nhà và đất đô thị gắn với hạ tầng, luôn hơn hẳn nông thôn, kể cả điện nước, đường xá. Điều quan trọng nữa là, nên thì thu thuế đồng loạt, sau này mới khoanh đối tượng miễn giảm. Theo tôi, mức thuế hiện nay áp dụng ở nông thôn hợp lý, nhưng ở đô thị tuỳ nơi có thể gấp đôi, gấp 3, tuỳ vào thu nhập bình quân của các vùng đô thị so với nông thôn.
Còn hạn mức đánh thuế nhà có diện tích 600 m2 trở lên là vô nghĩa, như nhà nông thôn rộng hàng trăm mét nhưng có cấp 4, 3 thì không bằng nhà chung cư ở thành phố.
(Theo TS Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, Viện trưởng Viên nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng // Diễn đàn doanh nghiệp)