![]() |
Tại đêm bất động sản (BÐS) lần thứ 25 do Hiệp hội BÐS TP.HCM tổ chức, Ông Shigehisa Matsumura, chuyên gia quy hoạch cao cấp của Nikken Sekkei, cho biết: Hơn 10 năm trước, phần lớn các khu đô thị mới được hình thành có khoảng cách xa trung tâm thành phố khoảng 10 phút xe máy, nay mức trung bình các đô thị mới cách xa trung tâm từ 20-30 phút. Trong khi tại khu vực Ðông Nam Á, khoảng cách đi lại từ các khu đô thị vào trung tâm bình quân vào khoảng 40-50 phút bằng phương tiện ô-tô, xe buýt, tàu điện…
Hướng phát triển chung của thế giới về quy hoạch nhà ở là xây dựng ở xa trung tâm cũ, có như vậy mới tạo dựng được môi trường, không gian sống trong lành tách bạch với các khu đô thị náo nhiệt ồn ào. Ðể phát triển các cụm đô thị, các khu đô thị vệ tinh hướng đến nhu cầu phát triển của xã hội thì việc phát triển giao thông là vấn đề mấu chốt.
Mặc dù tại TP.HCM đã có rất nhiều dự án phát triển giao thông, nhưng tiến độ triển khai còn quá chậm, chưa đáp ứng cho sự phát triển. Chính vì vậy các khu đô thị vệ tinh vẫn chưa thu hút cư dân về ở, mọi người chấp nhận sống chen chúc với giá cả đắt đỏ ở khu trung tâm.
Trong khi đó nhiều chuyên gia BÐS đã dự báo, trong những năm tới xu hướng phát triển BÐS sẽ được chuyển hướng mạnh mẽ ra vùng ven đô, và đây là xu thế tất yếu. Bởi lẽ, khung giá nhà đất nội thành quá cao, quỹ đất phát triển cũng không còn nhiều. Những địa điểm sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh mới trong tương lai có bán kính 20-30km như: Quận 9, 12, Thủ Ðức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Hóc môn, Củ Chi, Nhà Bè. Kết hợp với các khu đô thị vệ tinh ở các tỉnh lân cận TP.HCM như: Ðồng Nai, Bình Dương, Long An… là nguồn bổ sung BÐS giá thấp cho khách hàng có nhu cầu chỗ ở.
Trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM sẽ phát triển theo hai hướng chính và hai hướng phụ, liên kết với các tỉnh xung quanh, không phụ thuộc ranh giới hành chính. Hai hướng chính là phát triển về phía đông và phía nam, hai hướng phụ là bắc tây-bắc và tây tây-nam.
Cùng với bốn hướng trên là bốn hành lang ưu tiên phát triển, tạo động lực cho khu vực phát triển toàn diện. Ðó là hành lang cửa ngõ phía đông (dọc tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Ðồng Nai); Hành lang phía nam dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối các đô thị dọc tuyến đường này và đô thị cảng Hiệp Phước; Hành lang hướng tây-bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Ðức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh) và Thủ Dầu Một (Bình Dương; Hành lang hướng tây tây-nam là dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các đô thị khu nam với khu đô thị Tân Kiên (trung tâm huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Ðịnh hướng phát triển TP.HCM đến năm 2025 cũng xác định: Hệ thống các trung tâm dịch vụ thành phố được tổ chức theo hướng đa trung tâm, và bổ sung khu đô thị khoa học đông bắc thành phố (thuộc hai quận 9 và Thủ Ðức), và khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía nam huyện Nhà Bè.
(Theo thanhnien online)