Với quy mô hàng trăm ha đất và vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chính quyền địa phương nơi có dự án KCN và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang của Vinashin kỳ vọng rất nhiều vào việc dự án này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra ngược lại.
Dự án Khu công nghiệp (KCN) và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang của Vinashin đặt tại KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) ngốn tới 290 ha đất, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, khởi công từ cuối tháng 4/2007.
Hết đất, hết kế sinh nhai
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng hàng loạt nhà máy, như nhà máy sản xuất container lớn nhất phía Nam với công suất 120.000 container một năm, nhà máy lắp ráp động cơ thủy công suất lớn, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng… Dự kiến, dự án giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.
Quy mô hoành tráng là thế, song từ khi khởi công đến nay, Nhà máy đóng tàu Hậu Giang (diện tích 60ha, tổng vốn đầu tư là 1.100 tỷ đồng, giai đoạn 1 đóng được tàu có trọng tải 30.000 DWT) mới giải quyết việc làm cho… 2 lao động trong trong tổng số 25 người mà Vinashin đưa đi đào tạo. Đến nay, nhiều phần việc vẫn đang bị đình trệ, không thể triển khai do đủ thứ nguyên nhân, khiến phần lớn diện tích dự án bị bỏ hoang.
Nhìn đất ruộng vườn bị bơm cát để cỏ mọc đầy năm này qua năm kia, anh Võ Văn Liêm (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), không khỏi xót xa: “Nhà tôi bị thu hồi hơn 1.000 m2 đất trồng rau thơm. Trước kia, mỗi vụ tôi kiếm được vài triệu đồng, nhưng giờ lãnh được mấy trăm triệu đồng tiền bồi hoàn, song lại chẳng có việc gì làm. Khi xài hết tiền thì không biết lấy gì ra mà sống”.
Tương tự, ông Võ Văn Mười (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), cho biết, trước đây với gần 1 ha đất, ông nuôi cá tra và nuôi bò mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi bị thu hồi hết đất, kinh tế gia đình ông ngày càng thê thảm.
Cay đắng hơn, ông Nguyễn Văn Hai (cùng ấp Phú Nhơn), cho hay, gia đình ông bị thu hồi 1,4 ha đất, giờ phải dắt díu nhau tha hương kiếm kế sinh nhai bởi không còn đất để canh tác. Ông Hai bức xúc: “Mỗi ngày ngồi không “ăn” hết 1m2 đất (tiền bồi hoàn đất nông nghiệp 50.000 đồng một m2 - PV) con cái thì đi làm thuê làm mướn tứ tán. Hồi còn trồng lúa lúc nào trong nhà cũng có lúa, còn bây giờ chạy gạo từng bữa rất khổ sở”.
Lãng phí ghê gớm
Chính quyền xã Đông Phú cho biết, khu đất dự án của Vinashin là đất phù sa, lại nằm dọc theo sông Hậu nên trồng lúa rất tốt, năng suất bình quân 14 tấn một ha mỗi năm, trồng màu thì thu nhập khoảng 40 triệu đồng một ha mỗi năm. Trước khi giao đất cho Vinashin làm dự án, trung bình mỗi năm người dân thu nhập được 68 triệu (tính giá lúa 2.000 đồng một kg).
Như vậy, với 80 ha đất mà Vinashin giải phóng mặt bằng rồi để cho cỏ mọc thì mỗi năm nguời dân trong vùng dự án mất hơn 5,4 tỷ đồng, mà đất đã bỏ hoang đã 3 năm nay. Điều đáng nói là tổng thu ngân sách của xã mỗi năm cũng chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng. “Đây là một sự lãng phí ghê gớm”, ông Phạm Văn Chởm, Chủ tịch UBND xã Đông Phú nói và cho biết thêm, cuộc sống của người dân sau khi triển khai dự án khó khăn hơn trước nhiều.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất thu hồi dự án Vinashin. Tuy nhiên, dự án đang được chuyển giao về Tổng công ty hàng hải Việt Nam nên phải chờ. Nếu Tổng công ty hàng hải Việt Nam không sử dụng hết diện tích đã giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ thu hồi và trả lại kinh phí mà Vinashin đã bồi thường cho dân.
Sáng 9/7, Thanh tra Chính phủ đã công bố chính thức thanh tra Tập đoàn Vinashin về tình hình kinh doanh, chấp hành chính sách pháp luật của tập đoàn này thời gian qua. Dự kiến sau 75 ngày làm việc, kết quả thanh tra sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. |