Những diễn biến đáng chú ý trong tháng 2
Trước kỳ nghỉ tết âm lịch, tâm lý giáp tết đã khiến cho KLGD giảm và VNIndex chỉ giao động trong một biên độ hẹp từ vùng 480 điểm đến 510 điểm. Sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, mặc dù thị trường thế giới có sự hồi phục đáng kể nhưng VNIndex chỉ có thể tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu năm rồi giảm mạnh sau đó do những lo ngại về lạm phát và tăng LSCB. Sức cầu của thị trường không có nhiều cải thiện so với trước tết và KLGD vẫn ở mức thấp. Cả tháng 2, VNIndex đã tăng 14,9 điểm (3,1%) từ 482 điểm lên 496,9 điểm với KLGD trung bình là 26,8 triệu cổ phiếu/ngày (tháng 1 là 44,5 triệu cổ phiếu/ngày)
Một điểm nổi bật nhất trong tháng 2 đó là giao dịch của NĐTNN. Vào đầu tháng, việc mua ròng và bán ròng VNM liên tục nhiều phiên của NĐTNN đã khiến cho cổ phiếu này có những phiên tăng trần, giảm sàn đầy bất ngờ. Tiếp theo VNM thì đến lượt BVH và CTG, VCB. Đây đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và sự tăng, giảm điểm của những cổ phiếu này có tác động mạnh đến chỉ số VNIndex.
Giao dịch mua bán ở những cổ phiếu này cũng rất đang chú ý bởi lệnh mua chỉ tập trung nhiều trong phiên 3 và đẩy giá cổ phiếu lên cao trong khi phiên 1 và phiên 2 giao dịch không có gì đặc biệt. Chính đà mua ròng liên tục của NĐTNN đối với các cổ phiếu này đã làm kích thích sức mua của NĐT trong nước với những cổ phiếu này.
Tuy nhiên, ngoài các cổ phiếu kể trên thì NĐTNN lại có xu hướng bán ròng ở nhiều cổ phiếu khác, đặc biệt là trong 3 ngày cuối tháng. NĐTNN bán ròng mạnh một số cổ phiếu thuộc ngành bất động sản và năng lượng. Tổng KL bán ròng 3 ngày cuối tuần là 9,4 triệu cổ phiếu, tương đương 216 tỷ đồng. Trong đó riêng ngày 26/2 đã bán ròng 120 tỷ đồng, mức bán ròng mạnh nhất trong vòng 44 ngày.
Dự báo tháng 3
Trong tháng 3, những yếu tố sau sẽ có ảnh hưởng tới TTCK Việt nam
Số liệu kinh tế quý 1 và KQKD của các công ty niêm yết: quý đầu tiên của năm 2010, các chính sách kích thích kinh tế đã giảm bớt và gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn không còn, các doanh nghiệp buộc phải năng động và hiệu quả hơn. Các số liệu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, việc làm, GDP sẽ cho thấy bức tranh kinh tế đầu năm và định hướng cho chính sách kinh tế trong thời gian còn lại của năm. Chính sách tiền tệ vì thế sẽ có những điều chỉnh tương ứng.
Chính sách tiền tệ: ngoài số liệu về tăng trưởng, những diễn biến về lạm phát, nhập siêu, tỷ giá cũng có thể đưa ra những chỉ báo sớm về khả năng thay đổi chính sách tiền tệ trong tháng 3. Một chỉ số cần chú ý là lạm phát. Với việc chốt ngày tính CPI của tháng 2 sớm hơn thông lệ 5 ngày, nhiều yếu tố tăng giá trong tháng 2 chưa được phản ánh hết mà sẽ chuyển sang tháng 3. Việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu là xăng và điện sẽ khiến cho giá cả tháng 3 diễn biến phức tạp và khó có chiều hướng giảm như vẫn thường xảy ra sau tết.
Tăng trưởng huy động: Tăng trưởng huy động và tín dụng tháng 1 và tháng 2 đã không cao như dự kiến. Một phần nguyên nhân là do một lượng tiền lưu thông đã không quay trở lại hệ thống ngân hàng mà lại đọng lại trong dân cư khiến tăng trưởng huy động thấp. Sau tết, nhu cầu tiền mặt nhiều khả năng sẽ giảm xuống khiến lượng tiền nhàn rỗi tăng lên. Cùng với luồng tiền vay tín dụng bù lãi suất của năm trước đến hạn thì đây sẽ là 2 nguồn bổ sung thêm cho tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Bắt đầu có dấu hiệu cho thấy thanh khoản ở các ngân hàng đang cải thiện vào cuối tháng 2. Các ngân hàng cũng đang duy trì mức lãi suất huy động cao để đón đầu cho nhu cầu vay tăng lên trong tháng 3. Nếu như huy động tăng trưởng tốt thì sẽ không chỉ hỗ trợ cho tín dụng mà lãi suất cho vay vì thế cũng được ổn định và có thể giảm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Động thái của NĐTNN: Với những gì diễn ra cuối tháng 2, hiếm có khi nào động thái mua-bán của một số NĐTNN lớn lại có ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường như thời gian này. Tuần đầu tháng 3, động thái mua-bán của NĐTNN chắc chắn sẽ tiếp tục là tâm điểm và có ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư trong nước. Tuy nhiên có thể thấy rằng động thái của NĐTNN trong giai đoạn này sẽ không làm VNIndex có những thay đổi lớn. Vào cuối tháng 3, khoảng thời gian chốt NAV của các quỹ cũng có thể là một giai đoạn thị trường được hỗ trợ.
Khuyến nghị đầu tư
Những rủi ro trước mắt trong tháng 3 còn nhiều bởi những tín hiệu chưa rõ ràng trong kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Thị trường sẽ khó có những đợt lên điểm dài và liên tục như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên khả năng giảm sâu cũng khó xảy ra. Trong hoàn cảnh này, NĐT nên duy trì tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu ở mức cân bằng. Những phiên điều chỉnh, đặc biệt những phiên điều chỉnh sâu là cơ hội để tăng tỷ trọng cổ phiếu và sau đó chốt lời với mức sinh lời kỳ vọng vừa phải để trở về trạng thái cân bằng. NĐT cũng nên thận trọng với những tin đồn hay mua vào ở vùng giá cao bởi sẽ gặp nhiều rủi ro T+4.
Bài viết do SSI cung cấp và chỉ mang tính tham khảo
(Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com