Bước sang tháng 3, nhiều DN niêm yết bắt đầu tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Năm nay, tín hiệu tích cực là phần lớn DN đều có kết quả kinh doanh tốt, nên mùa đại hội hứa hẹn sẽ diễn ra trong không khí êm ả, ôn hòa. Tuy nhiên, điều này chưa đảm bảo nhiều “hạn sạn” tại các đại hội những năm trước sẽ không lặp lại nếu công tác chuẩn bị không được quan tâm đúng mức.
“Nhặt sạn” ĐHCĐ
Theo quy định, một nội dung bắt buộc tại các kỳ ĐHCĐ thường niên là thông qua báo cáo tài chính (BCTC) năm. Thế nhưng, điều bất ngờ với nhiều cổ đông khi dự ĐHCĐ của một DN niêm yết tên tuổi năm ngoái là trong tài liệu họp không hề có BCTC đính kèm, kể cả BCTC tóm tắt. Lý giải về sự cố này, lãnh đạo công ty cho rằng, việc in ấn BCTC và báo cáo thường niên để phát cho tất cả các cổ đông tốn kém, NĐT có nhu cầu có thể trực tiếp đến DN để nhận, hay tra cứu trên internet. Giải thích này được các cổ đông cho là thiếu thuyết phục, vì nhiều công ty nhỏ hơn cũng có thể tổ chức ĐHCĐ chu đáo khi in ấn tài liệu đẹp, lịch sự gửi tới các NĐT.
Công bố BCTC tóm tắt nhưng không công bố ý kiến của kiểm toán viên là một “hạt sạn” khác tại ĐHCĐ của một DN vận tải được tổ chức tại Khách sạn REX (TP. HCM). Điều đáng nói hơn là sau đó NĐT mới phát hiện ra các ý kiến của kiểm toán viên có các khoản mục ngoại trừ ảnh hưởng tới lợi nhuận DN. Chưa hết, một đại diện của cổ đông nhà nước được mời phát biểu. Vị này cao hứng đã độc diễn liền 40 phút, chiếm gần 1/3 thời gian đại hội. Sau đó, thời gian chất vấn chỉ còn lại... 10 phút và các tờ trình cũng được thông qua một cách hình thức khi thời gian đã cận trưa.
Một trong các nghi thức cứng nhắc mà ban điều hành đại hội nhiều DN mắc phải là dành rất nhiều thời gian để đọc nguyên văn mọi tờ trình, dù tất cả đã có trong tài liệu dự họp. Theo ý kiến của các NĐT, ban điều hành đại hội nên dành thời gian nhiều hơn cho các phần thực sự thiết thực như thảo luận, chất vấn.
Trái với kỳ vọng của nhiều cổ đông, tại một số đại hội năm ngoái, thời hạn chất vấn bị hạn chế từ 15 - 30 phút, trong khi các nội dung mang tính nghi thức diễn ra cả tiếng đồng hồ. Chẳng hạn, ĐHCĐ của một ngân hàng tổ chức vào giữa tháng 3 năm ngoái, ban điều hành chỉ chấp nhận trả lời 5 trong số rất nhiều câu hỏi của cổ đông được gửi tới bằng văn bản. Nhiều cổ đông ấm ức, vì các chất vấn bị cho qua hay thấy câu trả lời chưa thỏa đáng muốn chất vấn thêm đều bị… từ chối.
Phần chất vấn luôn là một trong nội dung gây căng thẳng nhất. Có lẽ e ngại điều này nên lãnh đạo nhiều DN đã “sáng tạo” ra nhiều cách để đề phòng “sóng gió” trong các kỳ đại hội: hạn chế thời gian chất vấn, yêu cầu chất vấn bằng văn bản, từ chối chuyển mic cho cổ đông… Mùa ĐHCĐ năm nào cũng có DN bị cơ quan quản lý “tuýt còi”, vì yêu cầu cổ đông phải đạt số lượng cổ phần nhất định mới được dự đại hội thường niên...
Nhiều NĐT tổ chức té ngửa khi tham dự một số ĐHCĐ năm ngoái phải biểu quyết các nội dung từ trên trời rơi xuống. Tại một DN ngành viễn thông (đã chuyển niêm yết từ HOSE sang HNX) do lợi nhuận năm 2008 thấp, nhu cầu tái đầu tư năm 2009 lớn, HĐQT đề nghị thông qua tờ trình không chia cổ tức. Tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ của các cổ đông nhỏ, phút 89, đại hội lại thông qua việc chia cổ tức chỉ với tờ trình… từ miệng vị chủ tịch HĐQT. Tại ĐHCĐ của một DN khác, cổ đông ngỡ ngàng khi trong phút cao hứng, vị giám đốc bỗng đề nghị đại hội biểu quyết một nội dung không có trong trong chương trình nghị sự là việc mua 25% số cổ phiếu đang niêm yết làm cổ phiếu quỹ! Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ cho phép DN mua tối đa 10% số cổ phiếu lưu hành làm cổ phiếu quỹ!
Năm 2009, một DN thủy sản lớn tại miền Tây tổ chức ĐHCĐ ở chính hội trường công ty. Sự việc cũng bình thường nếu như những năm trước đó DN nọ không tổ chức ĐHCĐ khá xa hoa tại một trong các khách sạn hoa lệ nhất TP. HCM. Đại diện một NĐT tổ chức đồng thời là cổ đông lớn của công ty phỏng đoán, có thể DN muốn “chạy trốn” các chất vấn của các cổ đông, bởi lẽ quý IV/2008 DN đã thua lỗ nặng nề và đánh mất hầu hết thị trường chiến lược. Phần lớn NĐT chứng khoán hiện nay vẫn tập trung ở các TP lớn như Hà Nội hay TP. HCM, việc chọn địa điểm tổ chức ĐHCĐ khác với thông lệ hàng năm, phải chăng cũng là một cách DN muốn “thử thách” sự nhiệt tình của các cổ đông?
Kỳ vọng một mùa ĐHCĐ chuyên nghiệp
Điểm lại một vài “hạt sạn” trong công tác điều hành mùa đại hội năm trước, ĐTCK hy vọng năm nay các sự cố đáng tiếc sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, một ĐHCĐ thành công cần sự cộng hưởng của hai yếu tố: sự chuẩn bị chu đáo từ trước và việc điều hành đại hội. Theo khảo sát của ĐTCK, vào những ngày cuối tháng 2/2010 mới có rất ít các DN niêm yết dự kiến tổ chức ĐHCĐ trong nửa đầu tháng 3 đăng tải các nội dung nghị sự trên website công ty. Sự chậm trễ này có thể khiến công tác tổ chức đại hội gặp khó khi các cổ đông tiếp cận với thông tin chậm.
Từ ngày 2/3 tới đây, Thông tư 09/2009/TT-BTC sẽ có hiệu lực. Việc công bố thông tin trên TTCK sẽ có nhiều điểm mới so với Thông tư 38/2007/TT-BTC trước đây. Một đại diện của Sở GDCK TP. HCM nói với ĐTCK, ngay trong tuần này cơ quan quản lý sẽ có văn bản hướng dẫn các DN niêm yết tuân thủ quy định mới. Trong đó, hướng dẫn việc công bố các thông tin trước và sau kỳ họp ĐHCĐ. Vì vậy, mùa ĐHCĐ năm nay kỳ vọng sẽ diễn ra chuyên nghiệp, thiết thực và ý nghĩa hơn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com