Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công ty chứng khoán ngại T+2

 Rào cản kỹ thuật, chi phí chuyển đổi cao, thời gian sửa lỗi gấp, chuyển giao chứng từ lưu ký chậm... là yếu tố khiến không ít công ty chứng khoán e ngại khi rục rịch chuẩn bị cho giao dịch T+2.

Lâu nay, hiện tượng các công ty chứng khoán "vượt rào", cho phép nhà đầu tư vay chứng khoán để bán trước ngày T+4 (thậm chí bán ngay trong ngày T+0) không còn là chuyện hiếm. Thực tế này cũng đã được nhiều thành viên thị trường thừa nhận trong buổi tọa đàm do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức chiều 24/3.

Thế nhưng khi cơ quan quản lý Nhà nước đang hoàn thiện khung pháp lý để rút ngắn thời gian giao dịch, cho phép bán chứng khoán đã mua vào ngày T+2 thì công ty lại than ngắn, thở dài.

"Về thời gian chuyển đổi thì chúng tôi xin phép trả lời Ủy ban bằng văn bản nhưng chắc là sẽ không nhanh do phải chuyển đổi hệ thống. Chi bằng Ủy ban cho phép bán luôn ở T+3 thì các công ty đỡ phải chỉnh phần mềm".

Ý kiến của đại diện một công ty chứng khoán trong buổi tọa đàm của của SSC cho thấy một thực tế là hầu hết các công ty chứng khoán đều chưa sẵn sàng cho T+2. Đại diện Công ty Chứng khoán Sacombank cho biết cần 2 tháng, Công ty Chứng khoán ACB cho biết cần 2-3 tháng… nhưng cũng có những đơn vị phải mất đến 6 tháng để hoàn thành.

Khó khăn lớn nhất, theo phản ánh của các doanh nghiệp, là kết nối với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) nhằm theo dõi, đối chiếu số dư trong từng tài khoản của nhà đầu tư.

“Hệ thống quản lý số dư trong tài khoản tại VSD và công ty chứng khoán tương đối khác nhau. Khi phát sinh giao dịch của nhà đầu tư, hệ thống của VSD sẽ hạch toán kép, điều chuyển chứng khoán từ tài khoản của bên bán sang bên mua. Trong khi đó, hệ thống của công ty chứng khoán lại tự hạch toán trừ chứ không có sự điều chuyển”, ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán VSD, cho biết.

Bên cạnh sự khó thống nhất về hệ thống giữa trung tâm lưu ký và các công ty chứng khoán, một nguyên nhân khác gây ra chậm trễ còn nằm ở bản thân các doanh nghiệp: "Sau khi kết nối hệ thống, VSD sẽ quản lý đến từng tài khoản của nhà đầu tư. Như vậy, công ty sẽ phải tách bạch hoàn toàn tài sản của mình và của khách hàng. Trong điều kiện hiện nay, không phải công ty nào cũng muốn làm như vậy", tổng giám đốc của một công ty chứng khoán cho biết.

Đối với hoạt động của một số công ty chứng khoán nhỏ hiện nay, cho phép nhà đầu tư bán trước T+4 có thể xem là một khoản khuyến mại để giữ chân khách hàng. Việc rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2 có thể khiến các công ty này lo lắng bị mất lợi thế cạnh tranh: "Với các công ty nhỏ thì luật chơi công bằng chưa chắc đã là tin vui", đại diện một công ty chứng khoán đã hoạt động được 4 năm khẳng định.

Trong khi đó, sự chuyển đổi chậm trễ của một số công ty chứng khoán lại đặt các thành viên còn lại của thị trường trước một bài toán khác: chờ đợi tất cả hoàn thiện hệ thống rồi mới cho phép thị trường giao dịch T+2 hay triển khai ngay khi đa số đã sẵn sàng.

Về phía SSC, cơ quan này tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu của việc áp dụng giao dịch T+2 nhằm mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng và đúng luật cho các công ty, có lợi cho nhà đầu tư nên phải áp dụng được cho đa số. Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng các công ty nhất thiết phải tăng tốc để theo kịp bước phát triển của thị trường: "Không thể bắt các công ty chứng khoán chờ đợi một nhóm nhỏ chưa chuyển đổi kịp. Việc triển khai sẽ được tiến hành khẩn trương, trên cơ sở sẵn sàng của đại đa số các thành viên thị trường”, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch SSC nhấn mạnh,

Riêng với những vấn đề còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi, SSC yêu cầu các công ty chứng khoán phải gửi báo cáo bằng văn bản để Ủy ban xem xét, chậm nhất trong vòng 2 tuần tới.

 

(VnExpress)

  • Khối ngoại tiếp tục đảo hàng, giao dịch cầm chừng
  • 24/3: Thanh khoản tăng, chỉ số giảm mạnh ở cả hai sàn
  • VN-Index giảm mạnh, chạm ngưỡng 502 điểm
  • Tiêu chí đầu tư ngược
  • VICS thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng
  • Áp lực nguồn cung đè nặng cổ phiếu ngân hàng
  • Đợt 1: Giao dịch trầm lắng, VN-Index giảm 4,27 điểm
  • Tin vắn chứng khoán ngày 25/3
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!