Những ngày vừa qua, khi chỉ số VN-Index liên tục nhích từng bước, lần lượt vượt qua các ngưỡng cản kỹ thuật, từ 505 điểm đến 520 điểm, thì cũng là lúc dòng tiền nóng bắt đầu quay trở lại thị trường. Và ĐTCK đã ghi nhận được khá nhiều “ngõ ngách” để dòng tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán.
Cách phổ biến nhất và cũng được đa số NĐT áp dụng là dùng đòn bẩy. Theo ghi nhận từ các phòng VIP tại hầu hết CTCK, đòn bẩy tài chính đã được các CTCK cho sử dụng từ cuối tuần trước, với mức chi phí khá thấp so với đợt TTCK sôi động hồi cuối năm ngoái (dù lãi ngân hàng vẫn ở mức cao). Theo đó, mức cho sử dụng đòn bẩy cao nhất hiện là theo tỷ lệ 1:3; tức là khách hàng có 1 đồng vốn sẽ được CTCK cho giao dịch thành tối đa 3 đồng. Tuy nhiên, hạn mức tương đối thận trọng mà đa số CTCK cho phép dùng là 1:2, có nghĩa là 1 đồng vốn bỏ vào tài khoản, khách hàng được giao dịch thành 2 đồng. Dù vậy, theo anh Minh, nhân viên phụ trách một phòng VIP khá lớn của CTCK S. tại Hà Nội, khách VIP dù đã bắt đầu dùng đòn bẩy nhưng đa phần vẫn giữ tâm lý thận trọng, nên chỉ sử dụng một phần rất nhỏ hạn mức tín dụng của mình. “Hai phiên giao dịch đầu tuần này, lượng tiền chảy vào chứng khoán từ công cụ đòn bẩy dù đã tăng mạnh, nhưng so với thời kỳ đỉnh cao vào giai đoạn tháng 10/2009 thì vẫn rất khiêm tốn”, anh Minh cho biết thêm.
Theo tổng hợp từ một số CTCK lớn, mức đòn bẩy mà các NĐT hiện sử dụng mới chỉ bằng khoảng 30% so với giai đoạn trước nhưng cũng góp phần tăng đáng kể thanh khoản thị trường, do giai đoạn gần đây, khách VIP chủ yếu dùng tiền “tươi” vì thị trường lình xình đi ngang. Điều tích cực là, đến thời điểm này, thị trường vẫn chưa ghi nhận hiện tượng giao dịch “khống hoàn toàn” (tức thậm chí không cần có tiền để ký quỹ đến hết các ngày T+4)!
Theo giải thích của nhiều NĐT, nguyên nhân khiến họ chưa thực sự tăng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trong đầu tư chứng khoán là tâm lý thận trọng, chờ VN-Index vượt qua các ngưỡng nhạy cảm. Chính vì vậy, trong những ngày vừa qua, đa phần CTCK đều nhận định, nếu thanh khoản thị trường tiếp tục tăng lên trong các phiên chạm ngưỡng nhạy cảm như VN-Index chạm ngưỡng 520 điểm và 545 điểm thì khả năng VN-Index chạm mức 600 điểm có thể xảy ra trong thời gian ngắn (do khi đó, dòng tiền nóng sẽ đổ vào thị trường nhiều hơn do NĐT mạnh dạn sử dụng đòn bẩy lớn).
Hình thức thứ hai góp phần đẩy dòng tiền mới vào thị trường tăng mạnh cũng khá phổ biến trong giai đoạn vừa qua là repo và cầm cố chứng khoán. Giống như với công cụ đòn bẩy, trong những ngày vừa qua, số lượng và giá trị các hợp đồng repo, cầm cố chứng khoán cũng tăng mạnh. Một nhân viên môi giới của CTCK có thị phần nằm trong top 5 cho biết, tỷ lệ repo, cầm cố chứng khoán còn khá thấp, nên việc NĐT sử dụng công cụ này, dù đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn ở mức an toàn. Thậm chí, một vài NĐT mới chỉ để hợp đồng repo/cầm cố “mở”, tức là để ở trạng thái sẵn sàng vay tiền chứ chưa sử dụng. Đến thời điểm này, theo tổng hợp từ các CTCK, đa phần hạn mức tín dụng của các đơn vị này ngân hàng vẫn còn khá nhiều, thậm chí mới sử dụng được khoảng 1/2, 1/3 “quota”.
Một cách khác cũng được nhiều NĐT sử dụng để tăng lượng tiền giao dịch lên mà không cần dùng quá nhiều sổ sách, giấy tờ là chiêu… bán hàng, mua hàng theo kiểu tay trái chuyển qua tay phải. Với khách VIP được hưởng thời gian thanh toán với lệnh mua muộn (T+2), nhưng lại được ứng tiền ngay khi vừa có lệnh bán đã giúp họ tranh thủ nhân số tiền mình có chỉ bằng chiêu mua lại chứng khoán của chính mình và thực hiện ứng trước! Tuy nhiên, với thị trường hiện tại, cách “nhân tiền” như trên không được NĐT sử dụng nhiều.
Một cách khác, dù hiện vẫn khá hạn chế, nhưng đã được một vài ngân hàng thương mại triển khai kết hợp với CTCK đang tỏ ra khá có ưu thế, nhất là trong giai đoạn thị trường biến động mạnh, đó là hỗ trợ tài chính với tài sản cầm cố là bất động sản hoặc tài sản có giá trị khác. Một số ngân hàng đang kết hợp với CTCK (đặc biệt là những đơn vị có quan hệ sở hữu mẹ - con) để triển khai gói dịch vụ cung cấp tín dụng cho khách hàng. Cụ thể, NĐT chỉ cần mang giấy tờ (nhà, xe) đến ngân hàng, ngân hàng sẽ căn cứ trên tài sản thế chấp của khách hàng mà đưa ra một hạn mức tín dụng, và hạn mức này sẽ có giá trị đến hết năm tài chính (hoặc sớm hơn nếu NĐT yêu cầu). Theo đó, NĐT có thể sử dụng vốn vay từ nguồn này theo bất kỳ một kỳ hạn nào, số lượng bao nhiêu (trong khoảng hạn mức) và trả bất kỳ lúc nào… với mức tính phí giống như các công cụ repo, cầm cố chứng khoán thông thường. Anh Nguyễn Minh Phúc, NĐT đã 2 năm sử dụng công cụ này cho biết, ưu điểm lớn nhất của việc vay vốn bằng hình thức này là… không sợ CTCK bán ép hàng khi giá chứng khoán giảm sâu, mà thời gian vay vốn lại khá linh hoạt, tùy thuộc nhu cầu đầu tư và diễn biến thị trường.
Dù vậy, theo một số môi giới phụ trách phòng VIP tại các CTCK còn lại thì họ không hoan nghênh việc NĐT sử dụng công cụ này. Trước hết là gói dịch vụ này không phải ngân hàng nào cũng mở liên thông với CTCK (số ngân hàng áp dụng gói này vẫn rất hạn chế và họ cũng áp dụng hạn chế với một số CTCK). Thứ hai, theo họ, nếu NĐT bị “say” sóng quá đà, thì nguy cơ cả gia đình họ… ra đường là rất lớn.
Mỗi giai đoạn, sự “linh hoạt” và “sáng tạo” của các thành viên tham gia thị trường lại khiến cho các hình thức chảy vốn từ khối ngân hàng vào chứng khoán thêm đa dạng. Mỗi hình thức đều có những ưu, nhược điểm riêng, quan trọng là NĐT phù hợp với hình thức nào và khả năng kiểm soát dòng vốn đó ra sao? Và điều đáng chú ý hơn là, khi nào các công cụ này mới thực sự được triển khai minh bạch, áp dụng công bằng với tất cả các NĐT?
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com