Xét trong bối cảnh vĩ mô VN: Nền kinh tế hồi phục trở lại sẽ dễ dàng kéo theo sự tăng giá của nhiều nguyên vật liệu, hàng hóa. Trước thực trạng này, cao su tự nhiên là một trong những ngành được lợi bởi đầu vào có nguồn gốc từ tự nhiên, lại không chịu ảnh hưởng quá lớn từ việc tăng giá xăng, điện. Bên cạnh đó, việc tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng cũng là yếu tố hỗ trợ các DN xuất khẩu, trong đó có cao su tự nhiên.
Về yếu tố giá, kể từ cuối năm 2009, giá cao su liên tục tăng và tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 30% trong năm 2010, bởi:
Thứ nhất, nguồn cung giảm: sản lượng cao su tự nhiên của ba nước lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhiều khả năng giảm trong năm 2010 do điều kiện thời tiết khô hạn (ảnh hưởng của El Nino). Thêm vào đó, các nước này cũng có kế hoạch cơ cấu lại các vườn cây cao su, trồng mới và thanh lý các diện tích già, kém năng suất. Vì vậy, nguồn cung cao su có thể tiếp tục giảm trong vài năm tới bởi cây cao su cần 7 – 8 năm mới đi vào khai thác.
![]() |
Chỉ tiêu hiệu quả hoạt động năm 2009 của 5 DN niêm yết trên sàn (Nguồn: WSS tổng hợp) |
Thứ hai, cầu cao su tăng: Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, ngành công nghiệp ôtô được dự báo sẽ phát triển trở lại từ năm 2010 sẽ kéo theo nhu cầu cao su nguyên liệu. Theo Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) dự báo, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên năm 2010 sẽ tăng khoảng 8% so với năm 2009.
Thứ ba, giá dầu thô tăng: Giá cao su tự nhiên và giá dầu thô thường có biến động cùng chiều. Theo dự báo của WB, giá dầu năm 2010 sẽ ở mức trung bình 63 USD/thùng, tức là tăng 13,5% so với bình quân năm 2009. Thực tế, đến cuối tháng 2/2010, giá dầu thô đã lên tới gần 80 USD/thùng – tăng 43% so với bình quân năm 2009. Giá dầu thô tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cao su tự nhiên.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cao su VN dự báo sản lượng xuất khẩu cao su của VN sẽ đạt 750,000 tấn trong năm 2010 (tăng 3,3% so với 2009), tương ứng với giá trị 1,5 tỷ USD (tăng 25% so với 2009).
Lợi thế giữa các DN cao su được quyết định bởi các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng. Hiện tại, trong 5 DN đang niêm yết trên sàn 2 DN được đánh giá khá cao là CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) và CTCP Cao su Tây Ninh (TRC). CTCP Cao su Phước Hòa có diện tích khai thác lớn nhất song độ tuổi cao su già nên năng suất khai thác không cao. Trong khi đó, cùng với diện tích khai thác lớn, DPR và TRC có lợi thế sở hữu vườn cao su đang trong giai đoạn khai thác cho năng suất cao (chiếm khoảng 50% diện tích cao su khai thác cho năng suất xấp xỉ 2,4 tấn/ha). Tính chung cả năm 2009, CTCP Cao su Đồng Phú đã dẫn đầu Tập đoàn Công nghiệp cao su VN với năng suất bình quân 2.25 tấn/ha, tiếp sau đó là CTCP Cao su Tây Ninh với năng suất bình quân 2,23 tấn/ha.
Đây cũng là hai Cty có hiệu quả hoạt động cao với các chỉ tiêu tỷ suất lãi gộp/doanh thu, ROA, ROE cao nhất so với các Cty niêm yết trong ngành. Mặc dù có P/E khá cao so với các DN còn lại song vẫn thấp hơn mức trung bình của thị trường (14,1), hơn nữa mức P/E này phần nào cho thấy kỳ vọng của giới đầu tư vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của hai DN DPR và TRC. Với những triển vọng kể trên, lĩnh vực cao su tự nhiên nói chung và cổ phiếu DPR, TRC nói riêng vẫn phù hợp cho chiến lược đầu tư giá trị trong trung hạn.
(Chuyên mục được phối hợp với Cty CK Phố Wall)
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com