Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá nào cho cổ phiếu ngân hàng phát hành thêm?

Hàng loạt kế hoạch tăng vốn điều lệ sẽ được các NH trình cổ đông trong mùa ĐHCĐ chuẩn bị diễn ra trong khi cổ phiếu NH chưa tìm lại được vị thế "cổ phiếu vua" như 3 năm trước.

Trong đó, bức thiết nhất là khối ngân hàng cổ phần đang có mức vốn dưới 3.000 tỷ đồng đều phải tìm cách để đáp ứng quy định theo lộ trình của Nghị định 141/2006/NĐ-CP.

Ồ ạt phát hành...

Đơn cử như kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.550 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng của HDBank sẽ trình ĐHCĐ trong ngày 15/3 tới. Trong đó, giai đoạn một ngân hàng này dự kiến tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng và sau đó là lên mức 3.000 tỷ đồng trước khi năm tài chính 2010 kết thúc. Trong đó, HDBank phát hành 950 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu; 550 tỷ đồng cho cổ đông chiến lược và CBNV Ngân hàng.

OCB cũng chuẩn bị trình ĐHCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 30/3 tới kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Tương tự, KienLong Bank xây dựng kế hoạch điều chỉnh vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Với các ngân hàng quy mô vốn còn dưới 1.000 tỷ đồng thì việc xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng càng áp lực hơn. Đơn cử như WesternBank đưa ra chỉ tiêu tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE (dự kiến trong tháng 4/2010) và sau đó tiếp tục tăng lên mức 3.000 tỷ đồng.

DaiA Bank cũng không ngoại lệ với kế hoạch tăng lên 3.000 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ hiện tại là 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc VietBank cũng cho hay, Ngân hàng phải đáp ứng được yêu cầu về lộ trình tăng vốn của Chính phủ và NHNN vào cuối năm nay so với mức vốn hiện tại chỉ có 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng cổ phần quy mô cũng vào cuộc đua tăng vốn trong năm 2010. Cụ thể, ACB xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 7.800 tỷ đồng hiện nay lên 9.400 tỷ đồng; Sacombank tăng từ 6.700 tỷ đồng lên 9.179 tỷ đồng; Eximbank dự kiến tăng vốn lên trên mức 8.800 tỷ đồng hiện tại và Vietcombank cũng có kế hoạch nâng vốn thêm 10% so với mức hơn 12.000 tỷ đồng hiện nay.

Tuy nhiên, việc tăng vốn của các ngân hàng quy mô lớn khá khả thi, vì các đơn vị này đã có sẵn nguồn thặng dư. Điều này cũng được nhiều nhà băng thực hiện trong 2 năm qua, trong đó phải kể đến Eximbank, DongA Bank…

Tổng giám đốc ABBank, ông Nguyễn Hùng Mạnh cũng cho hay, năm nay Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 10% so với 2009 từ nguồn quỹ thặng dư vốn cổ phần. Tuy nhiên, do ABBank đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn do NHNN đề ra nên Ngân hàng sẽ không có sức ép về phát hành cổ phiếu mới trong năm 2010.

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành cho biết, với mức vốn điều lệ tăng thêm 37% trong năm nay, ngoài lượng cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2009 (15%/vốn cổ phần), số còn lại sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ cốt cán của Ngân hàng, với mức giá thấp nhất dự kiến là 15.000 đồng.

…với giá “hời” vẫn lo

Nhưng với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ hạn hẹp, thì để thực hiện kế hoạch tăng vốn theo phương thức thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu là không thể. Còn nếu bán cổ phần phát hành thêm với giá cao chắc chắn sẽ không thu hút được người mua.

Thực tế, điều này đã từng xảy ra trong năm qua và không ít ngân hàng phải tăng quyền mua nhằm tạo tính hấp dẫn cho đợt phát hành.

Vì thế, dù trước mắt, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay đều chưa cho biết cụ thể về giá bán, nhưng qua trao đổi với một số lãnh đạo nhà băng thì khả năng phải chọn phương án cuối cùng là phát hành với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP. Vì nếu đưa ra mức cao hơn, nguy cơ ế hàng sẽ khó tránh khỏi. Đặc biệt là trong bối cảnh TTCK chưa thực sự ổn định và giá cổ phiếu ngân hàng còn ở mức thấp.

Cụ thể, trong phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 1.550 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng của HDBank năm nay, giá chào bán đều ở mức mệnh giá 10.000 đồng/CP. HDBank kỳ vọng, với phương thức phát hành và giá chào bán ở mức trên sẽ sớm hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một CTCK tại TP. HCM cho rằng, các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng năm 2010 được chia làm hai loại.

Thứ nhất là các kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng cổ phần đang có vốn dưới 3.000 tỷ đồng thì việc phát hành thêm cổ phiếu được xem là bắt buộc. Hai là cổ phiếu phát hành thêm của những ngân hàng đã có quy mô vốn lớn, nhưng vẫn muốn nâng cao sức cạnh tranh.

Theo vị tổng giám đốc này, với những ngân hàng có vốn dưới 3.000 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành thêm vẫn khó hút được nhà đầu tư quan tâm. Bởi thực tế, trong những năm gần đây lợi nhuận thu về của những nhà băng này còn ở mức khá khiêm tốn.

Trong năm qua, HDBank đạt 255 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; WesternBank đạt 160 tỷ đồng; OCB đạt 270 tỷ đồng; KienLong Bank đạt trên 120 tỷ đồng; DaiA Bank đạt 60 tỷ đồng…

Vì thế, cổ phiếu phát hành thêm chưa hẳn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, cho dù giá bán ở mức “hời”. Mặt khác, với số lượng cổ phần ngân hàng được phát hành ra thị trường khá lớn trong năm 2010 thì nguy cơ ế hàng, giá thấp là khó tránh khỏi.

Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư nước ngoài, ông Dương Cẩm Đà, Trưởng phòng Đầu tư - chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cho rằng, cách đây 2 - 3 năm, cổ phiếu ngân hàng được xem là cổ phiếu “vua”, vì khả năng tăng trưởng và khả năng tạo ra lợi nhuận lớn.

Khi đó, phần lớn ngân hàng đều hết “room” dành cho nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài không được mua cổ phiếu ngân hàng trên sàn OTC.

Vì thế, các đầu tư cá nhân trong nước đã đẩy giá cổ phiếu ngành này lên để “gom” hàng bán cho nhà đầu tư nước ngoài khi các ngân hàng này lên sàn (theo kiểu đón đầu khi mở room).

Chính sự sốt nóng của cổ phiếu lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong giai đoạn này là lý do mà cuối năm 2007 đã có trên 30 hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới, vì cổ phiếu ngân hàng dù chưa đi vào hoạt động đã được giao dịch bằng 2 - 3 lần mệnh giá.

Song từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu vào đầu năm 2008, tương tự như trên thế giới, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đã giảm giá trầm trọng, mặc dù ngành ngân hàng trong nước vẫn an toàn và làm ăn có lãi…

Bước sang năm 2010, tình hình hoạt động của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2009, do một số mảng mang lại nhiều lợi nhuận như vàng, tăng trưởng tín dụng đã bị quản lý chặt chẽ. Những điều này đã tạo ra vấn đề về thanh khoản trong hệ thống và lợi nhuận biên của các nhà băng dự báo sẽ giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ông Đà cho rằng, đà phục hồi kinh tế thế giới và Việt Nam cũng sẽ được khẳng định rõ hơn trong năm 2010, ngành ngân hàng là trụ cột của nền kinh tế nên chắc chắn sẽ có nền tảng tốt để tăng trưởng. Lợi nhuận biên của ngành ngân hàng sẽ được cải thiện sau khi NHNN cho phép thỏa thuận lãi suất. Nhưng nhà đầu tư cũng không nên trông chờ vào sự tăng trưởng mạnh của ngành tài chính - ngân hàng.

Theo đánh giá của đại diện SAM, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay ngang với mức P/E trung bình của TTCK Việt Nam, khoảng 12 lần.

Mặt khác, ngân hàng vẫn là một trong những ngành quan trọng bậc nhất trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, nên bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng quan tâm đến lĩnh vực này, tùy vào tiêu chí riêng biệt của từng nhà đầu tư và định giá của các ngân hàng chưa hết “room” còn lại trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Đà, ngành này sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2010 nên chưa thể đột phá và sức ép tăng vốn rất lớn, vì thế cổ phiếu rất khó giữ được mức EPS của năm trước.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!