Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Margin và hệ lụy của hợp đồng hợp tác đầu tư

Hiện tại, khi margin sắp được chính thức thực hiện, nếu không có quan điểm giải quyết dứt khoát mang tính thực tiễn về hợp đồng hợp tác đầu tư, thì UBCK sẽ rất khó quản lý rủi ro.

Trong số báo trước, ĐTCK đã đặt vấn đề, khi UBCK chính thức cho giao dịch ký quỹ (margin) thì những hợp đồng hợp tác đầu tư (HĐHTĐT), mà bản chất là margin sẽ được xử lý ra sao. Trong khi UBCK chưa bày tỏ thái độ rõ ràng, thì mỗi CTCK lại có cách ứng xử khác nhau. Cùng bản chất là margin, nhiều NĐT đang nghĩ đến "quyền chọn" một trong 2 sản phẩm: hoặc của UBCK, hoặc của CTCK.

Hai loại margin

Luật sư Trần Nam Sơn (CTCK An Bình) cho rằng, giao dịch ký quỹ dưới hình thức HĐHTĐT là thực tế tồn tại, UBCK cần có cách giải quyết mang tính thực tiễn hơn. Theo ông Sơn, có hai cách ứng xử với vấn đề này. Một là, UBCK coi HĐHTĐT là margin không chính thức, cơ quan quản lý chưa cho phép làm và CTCK không được làm, nếu CTCK nào làm thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu theo quan điểm này sẽ rất nguy hiểm, vì không tìm ra lối thoát. Cách thứ hai là UBCK không coi HĐHTĐT là margin, mà chỉ là hình thức cung cấp dịch vụ tài chính thông thường. Để phục vụ việc thực hiện margin, cơ quan quản lý có hình thức yêu cầu CTCK phải ngừng hình thức HĐHTĐT mà bản chất là margin.

Nếu không có hướng xử lý, theo ông Sơn, các CTCK sẽ có nhiều cách ứng xử trước sản phẩm margin của UBCK. Trong khi UBCK cứ ra sản phẩm margin thì CTCK vẫn duy trì hình thức HĐHTĐT. Thậm chí, sản phẩm của UBCK không hấp dẫn bằng, vì yêu cầu tỷ lệ ký quỹ cao hơn, phức tạp hơn.

Ông Trần Việt Anh, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết, khi chưa có margin, nhiều CTCK cân đối được nguồn đã thực hiện nghiệp vụ này dưới hình thức HĐHTĐT. Với sự tư vấn và giám sát của các luật sư nội bộ, hình thức hợp đồng này khá chặt chẽ phù hợp các quy định của pháp luật. Nếu UBCK không phát hiện ra điểm bất hợp lý nào sẽ rất khó yêu cầu các CTCK chấm dứt HĐHTĐT với NĐT.

"VCBS đã chuẩn bị kỹ về mặt kỹ thuật từ nửa năm nay và sẽ đăng ký thực hiện nghiệp vụ margin khi UBCK cho triển khai chính thức", ông Việt Anh nói. Theo ông, bản chất của margin là tạo thanh khoản cho thị trường, do đó, NĐT chỉ kinh doanh trên phần lời, phần lỗ. Theo đó, phần vốn bỏ ra rất ít, chỉ tương ứng với phần lời, phần lỗ. Nhưng quy định ký quỹ tại dự thảo về margin (70:30) là quá chặt chẽ, không hấp dẫn được nhiều NĐT. Khả năng các CTCK theo sản phẩm margin của UBCK không nhiều, mà họ sẽ thực hiện theo sản phẩm của họ.

Ông Mai Hữu Đạt, Phó tổng giám đốc CTCK VNDirect cho rằng, hiện tại chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để các CTCK yêu cầu NĐT chấm dứt các HĐHTĐT. Đối với VNDirect, hiện Công ty đang tìm hướng đi về vấn đề này, đó là bán nợ cho bên thứ ba. Thay vì ký HĐHTĐT với CTCK, NĐT sẽ ký với ngân hàng hoặc công ty tài chính có chức năng cho vay.

Thừa nhận cách làm này kín kẽ, đi trước những yêu cầu của cơ quan quản lý, nhưng ông Đạt chia sẻ, để tìm được đối tác mua các khoản nợ này trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng.

 "Ngay cả khi đầy đủ hành lang pháp lý, giao dịch ký quỹ chưa hẳn đã thực hiện được ngay", đại diện CTCK V nói với ĐTCK và cho biết, Công ty là một trong những CTCK ra đời đầu tiên trên thị trường, đã đầu tư hệ thống công nghệ từ năm 2001, đến nay rất lạc hậu. Do đó, khi giao dịch ký quỹ, UBCK yêu cầu mở một tài khoản phụ, hệ thống công nghệ của Công ty không đáp ứng được và phải đợi hệ thống công nghệ được đầu tư hoàn toàn mới.

Đại diện công này cho rằng, trong khi chưa thực hiện yêu cầu của UBCK, Công ty sẽ vẫn thực hiện các HĐHTĐT, vì nhu cầu của NĐT vẫn có và không đủ căn cứ pháp lý để chấm dứt các hợp đồng này. "Chúng tôi không thể tự tước đi vũ khí cạnh tranh khi không có yêu cầu của cơ quan quản lý buộc chấm dứt HĐHTĐT", vị đại diện này nói.

Nhìn vào thực tế

Trong Công văn hướng dẫn Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán, UBCK yêu cầu: "khi chưa có văn bản hướng dẫn của UBCK về giao dịch mua ký quỹ, nghiêm cấm các CTCK và NĐT triển khai nghiệp vụ này". Theo đó, UBCK không thừa nhận hoạt động cho vay dưới hình thức HĐHTĐT trước đây là giao dịch ký quỹ. Tại cuộc họp lấy ý kiến các CTCK về Công văn hướng dẫn thực hiện margin, tổ chức ngày 4/8, đại diện UBCK khẳng định, chưa bao giờ UBCK cho phép thực hiện nghiệp vụ ký quỹ. Việc các CTCK thực hiện HĐHTĐT thì phải chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro và pháp lý với khách hàng.

Sản phẩm margin được lách luật dưới hình thức HĐHTĐT được các CTCK đưa ra xuất phát từ nhu cầu thị trường, trong bối cảnh suốt thời gian dài không có sản phẩm mới nào được ban hành. UBCK nhận thấy, trong những đợt thị trường suy giảm, hoạt động này khiến thị trường suy giảm mạnh hơn, do bị bán giải chấp. Do đó, UBCK từng yêu cầu các CTCK phải báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ tài chính cho NĐT nhằm nắm bắt quản lý rủi ro tài chính tại các CTCK.

Hiện tại, khi margin sắp được chính thức thực hiện, nếu không có quan điểm giải quyết dứt khoát mang tính thực tiễn về HĐHTĐT, thì UBCK sẽ rất khó quản lý rủi ro, bởi tồn tại song song hai sản phẩm với bản chất đều là margin. Thị trường cũng sẽ không có chuẩn mực khi đường ai người ấy đi, mạnh ai nấy làm!

Thanh Đoàn

Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. StockBiz sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(StockBiz )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!