Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy lỗi kiểm toán trong vụ DVD: Phải đợi sau ngày 27/10

Nhiều cổ đông DVD cho rằng, vì tin vào số liệu kiểm toán mà giờ họ trắng tay. Tuy nhiên, thất bại của cổ đông DVD có phải do lỗi kiểm toán hay không thì cần xem xét lại.

Không đợi đến phán quyết của tòa án, CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) vừa tự tuyên bố chấm dứt hoạt động kể từ tháng 10/2011. Tuyên bố này đến thật bất ngờ và đã dập tắt luôn hy vọng "còn nước còn tát" của những cổ đông nắm giữ cổ phiếu DVD.

Với diễn biến này, theo những gì đã được phân tích trước đây, cổ đông DVD đành ngậm ngùi với thực tế trắng tay. Nhưng bao ấm ức trong lòng cổ đông lần nữa có dịp bùng nổ. Trên các diễn đàn lẫn phương tiện truyền thông cách đây không lâu, rất nhiều nhà đầu tư đòi phải truy cho ra "tội" của đơn vị kiểm toán. Theo họ, nếu không có  Ernst & Young (E&Y), đơn vị kiểm toán cho DVD, xác nhận những con số kinh doanh ấn tượng ở công ty này, thì làm gì nhà đầu tư "dính bẫy"!

Kiểm toán vô can?

Cho đến lúc này, chưa có bằng chứng gì để kết luận E&Y có lỗi hay không trong vụ việc ở DVD. Vì căn cứ vào các báo cáo tài chính (BCTC) của DVD, giới chuyên môn không phát hiện ra điểm gì đáng ngờ vực.

Nhìn tổng thể, BCTC ở DVD đã tuân thủ đúng những quy định về kiểm toán như đưa thông tin rõ ràng về các công ty con, công ty liên kết, nêu các sự kiện quan trọng của DN và có thuyết minh chi tiết về giao dịch của các bên liên quan. Những con số đáng ngờ như khoản phải thu, trả trước cho người bán, các khoản vay, đầu tư dài hạn, khoản phải trả khác… đều có thuyết minh cụ thể. Thậm chí, BCTC gần nhất của DVD là BCTC soát xét 6 tháng 2010 còn đưa thông tin chi tiết về chương trình "cổ phiếu hạt giống" ở DVD.

Như vậy, nếu có gì sai phạm ở E&Y, các chuyên gia đánh giá, chỉ có khả năng hoặc đơn vị kiểm toán không đảm bảo quy trình kiểm tra, yêu cầu xác nhận đối với các khoản mục nghi ngờ, dẫn đến bỏ sót và không phân định được các số liệu giả mạo. Hoặc nghiêm trọng hơn, đã xảy ra trường hợp thông đồng giữa kiểm toán và DN. Tuy nhiên, vì uy tín - vị thế big 4 của mình, khả năng E&Y "đổi trắng thay đen" rất khó xảy ra trong vụ việc này.

Giả thiết mà nhiều người trong ngành nghĩ đến là DVD đã quá tinh vi. Và E&Y, với vai trò kiểm toán chứ không phải cơ quan điều tra đã không thể nào phát hiện được gian lận.

Mới đây, UBCK đã yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ kiểm toán DVD tại các công ty kiểm toán A&C và E&Y với thành phần bao gồm Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA); thời gian kiểm tra dự kiến kéo dài từ ngày 20/10 đến 27/10/2011. Sau khi kiểm tra và có kết quả, UBCK sẽ có thông tin ra thị trường. Nghĩa là, ít nhất phải đợi sau ngày 27/10 tới, việc E&Y có liên đới hay không trong vụ việc ở DVD mới hy vọng được sáng tỏ.

Đọc kỹ thuyết minh BCTC

Cho dù kết quả thế nào, Trưởng bộ môn Kế toán kiểm toán tại một trường đại học ở TP. HCM cho biết, nhà đầu tư vẫn không thể đổ hết lỗi cho đơn vị kiểm toán. Chẳng hạn, dù kiểm toán có nghi ngờ về các giao dịch giữa DN với các đơn vị liên quan thì giải pháp duy nhất mà họ có thể làm chỉ là yêu cầu DN khai rõ nghiệp vụ các giao dịch liên quan. Với những điểm nghi vấn khác, trách nhiệm của kiểm toán cũng chỉ dừng ở việc yêu cầu DN tăng cường thuyết minh. Do đó, trên thực tế, thông tin quan trọng trong BCTC không phải nằm ở bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh hay báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mà chủ yếu nằm ở phần mục thuyết minh BCTC. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng nhà đầu tư bỏ thời gian xem và biết đọc hiểu thuyết minh BCTC lại không nhiều.

Liên hệ lại trường hợp ở DVD, có nhiều thông tin tại phần thuyết minh BCTC mà nếu lưu tâm, giới đầu tư có thể giật mình. Chẳng hạn, trong BCTC năm 2009, có đến 304 tỷ đồng trong tổng 371 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn là tiền trả trước cho người bán. Và thuyết minh BCTC chỉ rõ, DVD ứng trước tiền chủ yếu cho EU Pharm Trading, Lily Pháp, Công ty Hoàn Thiện. Người tinh ý sẽ đặt câu hỏi, 3 công ty này là ai? Hay trong thuyết minh số 24 BCTC 6 tháng 2010, DVD đã tạm ứng cho ông Lê Văn Dũng - lúc đó là Chủ tịch Công ty, hơn 484 tỷ đồng. Với số tiền lớn đó, ông Dũng đã dùng để làm gì? Cũng trong khoảng thời gian này, khoản phải thu khách hàng đã tăng 7,5 lần và tiền ứng trước cho người bán cũng tăng gần 100% so với thời điểm cuối năm 2009, trong khi không có một khoản nào dành trích lập dự phòng rủi ro khoản phải thu. Điều đáng nói là theo thuyết minh thì cũng chỉ có EU Pharm Trading, Lily Pháp, Công ty Hoàn Thiện là những đơn vị có giao dịch lớn với DVD.

Rõ ràng, những thông tin trên đủ để bất cứ nhà đầu tư nào đọc được cũng cảm thấy phải suy xét thêm. Đó phải chăng là lý do để các chuyên gia khuyến nghị, kể cả khi đọc hiểu BCTC và số liệu BCTC luôn đúng, BCTC không phải là kênh duy nhất đem lại thông tin cho nhà đầu tư.   

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Chuyện hy hữu trên TTCK Việt Nam
  • Vỡ lở vụ lừa khủng trên thị trường chứng khoán
  • Sức ép công khai CTCK không an toàn tài chính
  • Thị phần môi giới quý III: Dấu ấn NĐT tổ chức
  • TTCK bao giờ “tỉnh giấc“?
  • Nổ tín dụng đen tại chợ OTC
  • Bất ngờ với mức sinh lời của cổ phiếu nhỏ
  • Tiền đầu tư chảy về đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!