Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

SCIC thoái vốn: Cần một cơ chế linh hoạt

Năm 2010, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt mục tiêu bán vốn tại 170 DN, với dự kiến doanh thu bán vốn là 708 tỷ đồng, song nhiều đợt bán vốn chưa thu hút được sự quan tâm của NĐT.

Nhiều đợt thoái vốn của SCIC trong năm 2010 chưa thu hút các NĐT bên ngoài, các tổ chức và các quỹ đầu tư lớn - những đơn vị được cho là hình ảnh của những NĐT chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam. Đối tượng mua cổ phần chính trong các đợt thoái vốn của SCIC là các thành phần nằm trong DN như những người quản lý DN, cán bộ - công nhân viên của DN. Một số NĐT khác quan tâm mua cổ phần trong các đợt thoái vốn là bạn hàng, đối tác của DN.

Mặc dù đơn vị tư vấn nhận được sự hỗ trợ sát sao và kịp thời của các chuyên viên SCIC trong quá trình làm việc với DN, nhưng cổ phần tại nhiều DN mà SCIC thoái vốn vẫn khó bán. Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung từ diễn biến kém khả quan của TTCK, bên cạnh đó là một số khó khăn trong quá trình thực hiện thoái vốn như sau:

Thứ nhất, về hệ thống sổ sách kế toán của DN thoái vốn. Các DN thoái vốn thường là các DN nhỏ; hệ thống sổ sách kế toán còn sơ sài, không tiến hành lập báo cáo tài chính quý; chưa có thói quen lập kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Do vậy, công tác định giá của đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ tư vấn.

Thứ hai, về tài chính của DN. Một số DN thoái vốn có hoạt động tài chính chưa minh bạch, còn tồn tại các khoản nợ, phải thu khó đòi chưa được đối chiếu xử lý. Đơn vị tư vấn tiến hành định giá, phải báo cáo SCIC về thực trạng tài chính của DN để xin hướng xử lý, điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động bán vốn.

Thứ ba, về tâm lý của các nhà quản lý DN thoái vốn. Do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của việc thoái vốn, nhiều nhà quản lý của DN sợ sự thay đổi trong hoạt động công ty nên chậm trễ trong quá trình cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn. Một số DN khác không muốn bán phần vốn nhà nước tại DN, do lo ngại gặp khó khăn khi làm việc với các cơ quan chức năng sau khi Nhà nước không còn nắm giữ vốn.

Thứ tư, về mức giá khởi điểm của các DN thoái vốn. Trong quá trình thoái vốn tại các DN, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát DN, tiến hành định giá DN theo các phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp tính giá trị sổ sách cộng giá trị lợi thế đất. Hiện nay, nhiều đơn vị của SCIC sở hữu các khu đất rộng tại các địa bàn khác nhau, song tại một số đơn vị, những khu đất này chỉ dùng làm nhà xưởng phục vụ sản xuất - kinh doanh, vì vậy không mang lại lợi thế thương mại cho DN. Tuy nhiên, với quy định của SCIC là mức giá khởi điểm không được thấp hơn giá theo phương pháp giá trị sổ sách cộng giá trị lợi thế đất, thì mức giá khởi điểm đối với các đơn vị này trở nên cao, dẫn đến khó thu hút được sự quan tâm của NĐT.

Thứ năm, đa phần các DN thực hiện thoái vốn có quy mô nhỏ, vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Đây là các đối tượng chưa phải là công ty đại chúng nên để thu hút một lượng NĐT bên ngoài thông qua việc tổ chức bán đấu giá công khai là không đơn giản, do các NĐT bên ngoài khi quyết định đầu tư đều quan tâm đến vấn đề minh bạch hóa thông tin DN.  Bên cạnh đó, không ít đối tác muốn mua cổ phần của các doanh nghiệp để nắm giữ dài hạn và hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, vì thế họ muốn mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá theo phương thức thỏa thuận.

Chính vì vậy, việc bổ sung cơ chế bán vốn nhà nước theo hướng đa dạng và linh hoạt là hết sức cần thiết. Bên cạnh cơ chế đấu giá công khai như hiện nay, SCIC có thể thực hiện bán vốn theo hình thức thỏa thuận, hoặc cho phép người lao động được mua cổ phần theo mức giá thấp nhất trong cuộc đấu giá trước đó thay vì mua với giá đấu thành công bình quân…       

La Hoa, Giám đốc Tư vấn CTCK VIS

 

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!