Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển khai nghiệp vụ IB : Sân chơi không dành cho những 'tay mơ'

Ông Trần Nhật Huy – Phó TGĐ Công ty cổ phần chứng khoán Woori CBV chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiệp vụ IB. Xác định rõ phân khúc thị trường, cẩn trọng trước các quyết định và gia tăng niềm tin với khách hàng là điều giúp một CTCK dù nhỏ vẫn có thể làm IB tốt.

- Ông nhìn nhận thế nào về nhận xét việc triển khai nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (IB) tại Việt Nam chưa xứng với tiềm năng thị trường?

IB đã có từ rất lâu và phổ biến rộng rãi tại các thị trường tài chính - chứng khoán lớn trên thế giới. IB giữ vai trò là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và thị trường vốn, đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có những sự lựa chọn tối ưu nhất về các giải pháp vốn trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Ở Việt Nam, từ những năm 2006 trở lại đây, sự phát triển của thị trường tài chính tạo nên mảnh đất màu mỡ để các CTCK có điều kiện thuận lợi cung cấp các dịch vụ IB tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ IB của các CTCK còn manh mún, riêng lẻ, rất ít CTCK định hình và xây dựng được cho mình một dịch vụ IB hoàn chỉnh. Đồng thời, cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008 trở lại đây đã làm suy yếu TTCK Việt Nam và khiến cho các CTCK gặp rất nhiều khó khăn khi cung cấp các dịch vụ IB cho doanh nghiệp.

- Như vậy, IB sẽ có triển vọng như thế nào tại Việt Nam? Liệu thúc đẩy IB có tạo thêm xung lực cho thị trường tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?

Tôi tin trong tương lai không xa thị trường IB tại Việt Nam sẽ sôi động và các CTCK sẽ đóng vai trò là người dẫn dắt trên thị trường này. Điều này được dự đoán dựa trên những thông số tích cực như, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn còn lại như các đơn vị trực thuộc Petrovietnam, Vinaphone, Mobiphone, Vietnam Airlines… Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có những cổ phiếu của các công ty lớn, chất lượng tốt đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước được đưa ra TTCK. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết) vẫn đạt được những kết quả kinh doanh tốt, tạo tiền đề tích cực để giúp TTCK phục hồi và giữ vai trò là hàn thử biểu của nền kinh tế…

Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế tác động đến sự phát triển của thị trường IB. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và tham gia sâu rộng vào đời sống thương mại quốc tế thì những biến động của thế giới ngày càng tác động rõ rệt đến Việt Nam. Đơn cử như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã tạo ra những tổn thương cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, việc dự báo những biến động về tình hình kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế, gây khó khăn và lúng túng trong điều hành kinh tế, dẫn đến tình trạng lạm phát cao, tỷ giá ngoại tệ liên tục biến động, lãi suất cho vay tăng cao (gần chạm ngưỡng 20%)… Những điều này khiến cho doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều thử thách.

- Nếu xét từ góc độ khuôn khổ pháp lý cho IB tại Việt Nam thì sao, thưa ông?


Trong thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng các khung pháp lý về thị trường tài chính - chứng khoán, về doanh nghiệp… Tuy nhiên, hiện nay những quy định của chúng ta trong các lĩnh vực này còn chồng chéo, phức tạp, chưa rõ ràng… Chính vì vậy, để có thể tạo ra một “sân chơi” IB năng động, hấp dẫn và công bằng giữa mọi chủ thể tham gia thị trường, trách nhiệm của chúng ta là phải hoàn thiện được một khung pháp lý thống nhất, một cơ chế quản lý, giám sát tạo ra được sự minh bạch hóa và tính tin cậy cao. Trong lĩnh vực IB, chúng ta rất cần những quy định, hướng dẫn rõ ràng của luật pháp về mua bán sáp nhập doanh nghiệp, về tái cấu trúc doanh nghiệp, về bảo lãnh phát hành chứng khoán…

- Ông sẽ nói gì trước quan điểm - “IB chỉ là “sân chơi” cho các công ty chứng khoán lớn, có thương hiệu và tiềm lực mà thôi”?


Trên thế giới, khi nhắc tới “ngân hàng đầu tư” là người ta nhắc tới những tên tuổi lớn như Morgan Stanley, Goldman Sachs, City Group, J.P Morgan Chase… Điều này minh chứng rằng, không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể trở thành một IB. Tại Việt Nam, chưa có một CTCK nào đủ mạnh để có thể trở thành một IB thực thụ. Một vài CTCK lớn của Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn định hình các nghiệp vụ về IB. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn thị phần IB Việt Nam đang được nắm giữ bởi các CTCK lớn.

Nhìn từ trường hợp của công ty chúng tôi để làm ví dụ. Hiện Woori CBV là công ty chứng khoán duy nhất đã xây dựng thành công hệ thống dịch vụ IB của mình. Nhưng để làm được điều đó, một điều kiện không thể thiếu chính là sự hỗ trợ của Tập đoàn tài chính Woori.

Còn đối với các công ty chứng khoán nhỏ, hoàn toàn có thể tham gia và cạnh tranh trong thị trường IB, nhưng với điều kiện, phải có sự chuẩn bị về mọi mặt như: nghiên cứu mô hình hoạt động IB phù hợp, đặt công ty trong phân khúc nào của thị trường IB, tích lũy niềm tin của khách hàng…

- Vì sao ông tự tin nói, Woori CBV là CTCK triển khai nghiệp vụ IB đầu tiên và khá hoàn chỉnh tại Việt Nam?

Tập đoàn tài chính Woori (lớn nhất tại Hàn Quốc) thuộc sở hữu của chính phủ Hàn Quốc với sự hiện diện tại Việt Nam là công ty Chứng khoán Woori CBV. Chúng tôi mang tới Việt Nam 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IB. Về cá nhân tôi, với gần 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, tôi đã cùng với các đồng nghiệp tổ chức xây dựng thành công mô hình dịch vụ IB hoàn chỉnh bao gồm tất cả các nghiệp vụ được coi là xương sống của IB.

Chỉ trong năm 2010, Woori CBV đã thực hiện được gần 40 hợp đồng cung cấp dịch vụ IB cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như: tái cấu trúc doanh nghiệp, M&A, chuyển nhượng dự án đầu tư, cổ phần hóa & IPO, niêm yết doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường chứng khoán nước ngoài, tư vấn niêm yết trong nước và phát hành... Khách hàng của chúng tôi là những Tập đoàn lớn như Petrovietnam, các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng chưa niêm yết, các công ty của nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa…

Để đạt được những kết quả khả quan trên, chúng tôi chỉ có một bí quyết duy nhất là tính chuyên nghiệp và sự tận tâm hết lòng vì lợi ích của khách hàng.

- Vậy từ kinh nghiệm của bản thân và thực tế hoạt động của Woori CBV, ông có thể chia sẻ gì với các CTCK cũng đang muốn khai thác thị trường IB?

Hiện nay quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ hẹp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, xu hướng tất yếu trong thời gian tới là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để thực hiện huy động vốn một cách hiệu quả nhất thông qua các hình thức niêm yết cổ phiếu, IPO, phát hành chứng khoán (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi) tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Tiêu biểu cho xu hướng này là trong năm 2009 - 2010, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ với quy mô lớn tại thị trường nước ngoài, các tập đoàn lớn như Petrovietnam hay EVN cũng đang xây dựng phương án phát hành trái phiếu ngoại tệ nhiều tỷ đô la tại nước ngoài, hay Vincom và KBC thực hiện phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi tại nước ngoài… Và đây sẽ là một cơ hội thật sự cho các CTCK có đủ năng lực thực hiện các yêu cầu trên của doanh nghiệp. Ngoài ra, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và TTCK sau khủng hoảng, các đợt IPO quy mô lớn trong thời gian tới sẽ thổi một luồng gió mới ấm áp cho các CTCK.

Tuy nhiên, với một khung pháp lý liên quan đến IB còn chưa hoàn chỉnh, những biến động lớn của nền kinh tế còn đang tiếp tục hiện hữu như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… sẽ tạo ra những rủi ro rất lớn cho các hoạt động IB của các CTCK. Chính vì vậy, các CTCK sẽ trở nên rất thận trọng trong các quyết định của mình liên quan đến bảo lãnh phát hành chứng khoán, IPO hay thực hiện huy động vốn cho doanh nghiệp… Ngoài ra, quy mô và khả năng hoạt động của các CTCK Việt Nam còn tương đối nhỏ so với các CTCK nước ngoài (công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam cũng mới chỉ đạt khoảng 200 triệu USD), dẫn tới việc các công ty này khó có đủ năng lực cung cấp được đầy đủ các dịch vụ IB.

- Xin cảm ơn ông!

(Doanh Nhân)

  • Top 5 cổ phiếu tăng/giảm giá nhiều nhất trong tuần từ 10-17/12
  • Hậu trường của các thương vụ M&A
  • OTC: Khó thoái vốn
  • Doanh nghiệp ngành thực phẩm: Tăng tốc về đích
  • Rụt rè mơ chợ… quyền mua
  • Cổ phiếu ngân hàng hút vốn ngoại
  • Tuần từ 13/12 – 17/12/2010: Khối ngoại duy trì mua ròng đạt trên 530 tỷ
  • Dòng tiền vào thị trường tiếp tục gia tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!