Sau hơn 13 năm, Dự án chỉ còn lại mỗi bảng giới thiệu đã mục nát |
Bài 4: Dự án Khu sinh thái văn hóa Hồ Vĩnh Lộc: Còn "treo" đến bao giờ?
"Sau hơn 13 năm, Dự án chỉ còn lại mỗi bảng giới thiệu dự án đã mục nát", nhiều người dân ở xã Vĩnh Lộc B đã nói về Dự án Khu sinh thái văn hóa (KSTVH) Hồ Vĩnh Lộc như vậy.
Có quy mô rộng tới 423 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Dự án KSTVH Hồ Vĩnh Lộc đã từng được lăng xê sẽ trở thành một "Genting của Việt Nam" (Genting là tên một khu du lịch nổi tiếng của Malaysia). Song trên thực tế, dự án này đã được triển khai như thế nào?
Bị "treo" triền miên
Năm 1995, Báo cáo khả thi Dự án KSTVH Hồ Vĩnh Lộc đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM hoàn tất, thì đến năm 1997, Dự án mới chính thức được phê duyệt. Sở NN&PTNT TP.HCM trở thành chủ đầu tư đầu tiên của Dự án. Tuy nhiên, cũng ngay trong năm 1997, vai trò chủ đầu tư Dự án đã được chuyển cho UBND huyện Bình Chánh.
Sau khi quy hoạch 1/5.000 được duyệt và ban hành các thủ tục thu hồi đất phục vụ cho Dự án, UBND huyện Bình Chánh đã chọn Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (đơn vị sự nghiệp) triển khai dự án. Tuy đã tiến hành giải tỏa được 11 ha (18 hộ dân), với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, nhưng vì không tìm được đối tác đầu tư và không lo được chi phí đền bù giải tỏa phát sinh, nên năm 2002, UBND TP.HCM quyết định chuyển giao Dự án cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do Dự án đã được phê duyệt từ năm 1997, nên Sagri phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch sử dụng đất cho toàn Dự án. Vì thế, nên vào cuối năm 2003, phương án thay đổi mới được UBND TP.HCM phê duyệt. Sau đó, Sagri đã rất tích cực tiếp thị Dự án để tìm đối tác, song không có kết quả. Mãi đến năm 2007, Sagri mới mời được Công ty cổ phần Quốc tế C&T Group tham gia Dự án dưới hình thức liên doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thực trạng của Dự án hiện nay, ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, Dự án KSTVH Hồ Vĩnh Lộc là dự án "nhạy cảm", vì đã bị "treo" nhiều năm nay. Ngoài tính pháp lý của Dự án liên tục thay đổi, Dự án lại nằm trong vùng đất phèn trũng, nên khả năng thu hút nhà đầu tư không cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Dự án không triển khai lại do năng lực các chủ đầu tư từ trước đến nay đều yếu.
Bao giờ có "Genting của Việt Nam
Tại buổi họp báo ký hợp đồng liên doanh giữa Sagri và Công ty cổ phần Quốc tế C&T Group (tháng 10/2007), đại diện liên doanh cho biết, sẽ biến nơi đây thành một Disneyland (ở Hồng Kông) hay một Genting (tại Malaysia) của Việt Nam. Theo đó, 80 ha của Dự án là hồ sinh thái kết hợp với biển nhân tạo, phần còn lại bao gồm các hạng mục: khu bảo tồn thiên nhiên, giải trí, trung tâm thương mại, phim trường...
Đến tháng 9/2008, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Sinh thái Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư Dự án (bao gồm Sagri, C&T Group), sau khi liên doanh trên có văn bản đề xuất.
Sự chậm trễ của Dự án đã khiến người dân nằm trong quy hoạch rất bức xúc. Qua trao đổi với một số hộ dân tại xã Vĩnh Lộc A và B, được biết, điều mà họ quan tâm hiện nay là đến khi nào chủ đầu tư mới triển khai Dự án? Theo họ, nếu không có cam kết thực hiện, thì UBND TP.HCM nên thu hồi giấy phép đầu tư, chứ không thể để "treo"!
Tình hình càng "nóng" hơn khi trong quý III/2009, chủ đầu tư đã tổ chức cuộc họp với dân và hứa đến cuối năm 2009, tiến hành công tác đền bù, nhưng đến nay, đã gần hết quý I/2010, vẫn chưa thấy có động tĩnh gì
Giải thích sự việc trên, ông Đoàn Nhật cho biết, quá trình kiểm kê năm 2009 thất bại là do trục trặc về mặt pháp lý của Dự án và lực lượng Ban bồi thường quá mỏng so với số dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ông Đoàn Nhật cho biết thêm, nếu giải quyết được những khó khăn trên, có khả năng trong quý II/2010, việc đền bù giải phóng mặt bằng mới được triển khai thực hiện.
(Theo Hải Âu // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com