Tổng số tiền chi cho GPMB sẽ vượt qua con số là 3.180 tỷ đồng theo tính toán ban đầu. Ảnh: S.T |
Vốn đã lo đủ
Là hai trong 7 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) trọng điểm của Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng từ nay đến năm 2020, tuyến ĐSĐT đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là những dự án giao thông trọng điểm đã được Bộ GTVT “chốt” tiến độ khởi công trong năm 2010.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam - chủ đầu tư Dự án ĐSĐT tuyến Cát Linh - Hà Đông, có chiều dài 13,5 km (với điểm khởi đầu ở ga Cát Linh và điểm cuối tại Bến xe Hà Đông), Dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 552,9 triệu USD, trong đó 419 triệu USD là vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc.
“Vốn đầu tư cho Dự án đã được giải quyết sau khi Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc thống nhất được phương án vay vốn đầu tư cũng như các vấn đề liên quan. Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án được xác định là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 133 triệu USD. Tất cả đều đã được bố trí đầy đủ, đảm bảo giải ngân kịp thời khi Dự án khởi công”, ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.
Hiện tại, Cục Đường sắt Việt Nam đã trao gói thầu xây lắp chính của Dự án được thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC cho Công ty TNHH Tập đoàn Cục đường sắt 6 Trung Quốc.
Là ưu tiên số 1 trong Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Dự án ĐSĐT Hà Nội (tuyến số 1) đang có cơ hội lớn để tăng tốc sau bước khởi động tương đối chậm.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án ĐSĐT số 1, Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm với tổng chiều dài khoảng 15,36 km, trong đó chiều dài các đoạn đi trên cao là 10,57 km (cầu cạn và ga trên cao 8,87 km, cầu vượt sông 1,7 km). Công trình sẽ được xây dựng theo công nghệ xây dựng ĐSĐT của Nhật Bản. Tốc độ tối đa của đoàn tàu sử dụng sức kéo điện loại tàu EMU của Nhật Bản là 80 km/giờ. Như vậy, khi tuyến đường sắt trên cao này hoàn thành, quãng đường từ Giáp Bát sang Gia Lâm sẽ chỉ mất khoảng 20 phút.
Ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, khó khăn về nguồn vốn triển khai Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 19.460 tỷ đồng cơ bản đã được giải quyết với việc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng ý tài trợ vốn theo điều kiện ưu đãi đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế (STEP). Khoản vay ưu đãi trị giá khoảng 13.972 tỷ đồng sẽ được sử dụng để chi trả cho dịch vụ tư vấn kỹ thuật, xây dựng công trình, mua sắm thiết bị. Nguồn vốn đối ứng trong nước vào khoảng 5.380 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư; chi phí quản lý dự án và các chi phí khác. Hiện tại, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã trao gói thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật của Dự án cho Liên danh tư vấn JKT (liên danh 8 nhà thầu tư vấn Việt Nam, Nhật Bản) với trị giá 839 tỷ đồng.
Chỉ lo mặt bằng
Hiện tại, công tác GPMB tại 2 Dự án do UBND TP. Hà Nội đảm nhận triển khai quá chậm đang là mối lo ngại lớn nhất đối với các chủ đầu tư.
Tại Dự án ĐSĐT tuyến Cát Linh - Hà Đông, mục tiêu khởi công công trình trong quý I/2010 mà Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến ngày 31/1/2010, vị trí khởi công Dự án (điểm depot phía Hà Đông), UBND TP. Hà Nội mới giải phóng được phần diện tích đất chiếm dụng 8,6 ha/23 ha, đạt 37,4%. Đoạn tuyến chính Cát Linh - Ba La dài khoảng 12 km, hiện mới có quyết định thu hồi đất phạm vi quận Đống Đa. Đoạn tuyến Ba La - Bến xe Yên Nghĩa, nhánh rẽ vào khu Depot, chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt, hồ sơ thu hồi đất đang hoàn thiện, những đoạn còn lại mới thẩm định xong hồ sơ thu hồi đất. Cũng phải nói thêm rằng, Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bị lỡ kế hoạch khởi công vào tháng 12/2009 do không có mặt bằng.
Tại Dự án ĐSĐT Hà Nội (tuyến số 1), với 1.711 hộ dân bị di dời, công tác GPMB là rào cản lớn nhất để công trình có thể khởi công vào cuối năm 2010. Theo chủ đầu tư, tuyến ĐSĐT số 1 sẽ chạy qua địa bàn 5 phường gồm Cửa Nam, Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bông và Hàng Mã. Trong 5 phường trên, phường Đồng Xuân có số lượng di dân nhiều nhất với khoảng hơn 100 hộ.
Theo tính toán ban đầu, tổng số tiền chi cho GPMB là 3.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mặt bằng giá đất mới thì chắc chắn con số này sẽ tăng lên.
“Cả hai dự án trên có được triển khai đúng tiến độ hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác GPMB, chứ không phải do vốn hay kỹ thuật”, ông Hùng khẳng định.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com