Doanh nghiệp đang từng ngày chờ lãi vay giảm nhưng kỳ vọng này đã gặp phải cú sốc thực sự khi mới đây, Chính phủ tiếp tục nới mục tiêu lạm phát lên mức tối đa 17% thay vì 15% như trước đó.
Khi biết thông tin Chính phủ tiếp tục điều chỉnh lạm phát lên mức tối đa 17% trong năm nay, chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tấm biển lớn buồn thiu: “Vậy thì lãi vay còn lâu mới giảm được!”.
Mỏi cổ chờ lãi suất giảm
Là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn lưu động chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng nên ông rất quan tâm đến tình hình lạm phát, vì chỉ khi lạm phát dịu nhiệt thì lãi vay mới có cơ may giảm.
Qua theo dõi tốc độ tăng CPI các tháng 4, 5, 6 lần lượt là: 3,32%, 2,21% và 1,09%, ông phấp phỏng những ngân hàng đang có quan hệ vay vốn với giá 22%/năm ở Vietbank, Indovinabank sẽ giảm lãi vay cho mình. Nhưng nay, cú điều chỉnh mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI lên 17% đã trở thành nỗi ám ảnh với số lãi vay sắp đến kỳ phải trả.
Ở góc độ vay tiêu dùng, ngoài sự ngặt nghèo của hồ sơ, lãi vay còn khủng khiếp hơn.
Mới đây, Công ty Tài chính Prudential đưa ra mức 27,5%/năm, bình quân lãi suất tới 2,29%/tháng. Chẳng hạn, nếu khách hàng vay khoảng 100 triệu đồng, thời gian 48 tháng thì tính đến hết kỳ vay, cả nợ và gốc lên tới trên 166 triệu đồng!
Cụ thể, muốn tiếp cận thành công với khoản vay 100 triệu nói trên, trung bình mỗi tháng, khách hàng phải trả khoảng 3,46 triệu đồng, bao gồm cả gốc lẫn lãi. Trong tháng đầu tiên, công ty tính theo dư nợ gốc và phần lãi phải trả là: 100 triệu đồng x 1 tháng x 2,29% = 2,29 triệu đồng; còn tiền gốc là: 3,46 triệu đồng - 2,29 triệu đồng = 1,17 triệu đồng; cộng gốc và lãi trong tháng đầu tiên là 3,46 triệu đồng.
Như thế, vào thời điểm cuối tháng thứ nhất, nợ gốc tồn của khách hàng còn lại là: 100 triệu đồng - 1,17 triệu đồng = 98,83 triệu đồng. Đến tháng thứ 2, phần lãi như sau: 98,83 triệu đồng x 1 tháng x 2,29% = 2,263 triệu đồng. Tuy nhiên, ở tháng này so với tháng trước, nếu như tiền lãi giảm chút ít thì tiền gốc phải trả lại tăng lên, cụ thể: 3,46 triệu đồng - 2,263 triệu đồng = 1,197 triệu đồng.
Cứ thế, đến khi tất toán hợp đồng (48 tháng), số tiền người vay phải trả cho công ty trên 166 triệu đồng.
Có một câu chuyện lạ: trong khi lãi vay thị trường 1, từ vay sản xuất đến tiêu dùng ở mức cao ngất ngưởng thì thị trường 2 lại khá bình yên từ thanh khoản, lãi suất đến cung cầu vốn; mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cung ứng vốn trên thị trường này rút tiền rất mạnh trong thời gian qua.
Cán bộ kinh doanh vốn một ngân hàng cho biết, trong tháng 6/2011, lãi suất thị trường 2 giảm mạnh so với tháng 5/2011 từ 3% đến 4% đối với các kỳ hạn “qua đêm”, 1 tháng. Hiện tại, lãi suất qua đêm xoay quanh mức 11% - 12%/năm, 1 tuần và 2 tuần từ 13% - 13,5%/năm; 3 tuần - 1 tháng từ 14% - 15%/năm. Và nếu so với lãi suất thị trường 1 thì lãi suất thị trường 2 đang thấp hơn rất nhiều.
Qua tìm hiểu, hóa ra, với các yêu cầu tại Thông tư 13 và các quy định khác, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được mục tiêu là ổn định thanh khoản và vốn khả dụng cho các ngân hàng nhưng lại tạo ra một bất cập khác là tính liên thông giữa hai thị trường 1 và 2 bị gián đoạn. Bởi thế, mới xuất hiện 2 thái cực khác nhau trên thị trường: trong khi thị trường 1 cháy vốn, lãi suất huy động và cho vay cao thì thị trường 2 lại diễn biến ngược lại. Có vẻ như, giữa hai thị trường này đang thiếu đi sự “chia lửa” một cách rất cần thiết.
Vị cán bộ này nói: “Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính làm cho lãi suất thị trường 1 khó giảm mà một yếu tố rất quan trọng khác chính là do tốc độ phi mã của lạm phát”.
Nút thắt khó gỡ
Trước thông tin Chính phủ nới chỉ tiêu lạm phát lên mức tối đa 17%, rất nhiều chuyên gia kinh tế lão luyện đều tỏ ra bất ngờ.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia giải thích: “Đó chỉ là mục tiêu dự phòng thôi, để nhỡ ra cuối năm không đạt được mục tiêu 15% thì còn có cơ sở để giải thích!”.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai bình luận rằng: “Trước sức ép từ nhiều phía, việc nới chỉ tiêu lạm phát là điều khó tránh. Với chính sách đầu tư của nhà nước dàn trải gần như vãi thóc cho gà ăn, là một trong những tác nhân chính gây nên lạm phát. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi lại xa rời xu hướng thực dương, không chảy vào hệ thống ngân hàng thì còn lâu lãi suất mới giảm nhiệt”.
Theo ông Lai, Chính phủ hiện nay đang rất lúng túng trước bài toán lạm phát và lãi suất. Vì nếu tiếp tục cung ứng tiền mạnh hơn thì tốc độ tăng lạm phát càng khủng khiếp hơn nữa; còn nếu thắt chặt thì lãi suất vẫn tiếp tục ở giá cao, thậm chí cao hơn. “Nhưng thà thắt chặt tiền tệ còn hơn là thả lỏng trong lúc này, Chính phủ nên rà soát và cắt giảm đầu tư khu vực công nhiều hơn nữa, vì dư địa của chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát không còn bao nhiêu”, ông Lai nói.
Liên quan đến thông tư cắt giảm đầu tư công, có một thông tin rất băn khoăn là con số cắt giảm đầu tư công 25 nghìn tỷ đồng được cho là “ảo”.
Tại phiên họp của Thường vụ Quốc Hội ngày 30/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, con số cắt giảm đầu tư công thực tế không đến mức 80.500 tỷ đồng như Chính phủ đã công bố. Theo ông Hiền, trong công bố nói trên, có 15 nghìn tỷ đồng cắt giảm vốn trái phiếu và 10 nghìn tỷ đồng cắt giảm do không ứng trước vốn cho các công trình của năm 2012 là không chuẩn xác.
Bởi vì, thứ nhất, vốn trái phiếu mà Quốc hội phê duyệt cho năm 2011 là 45 nghìn tỷ đồng, nếu Chính phủ cắt giảm được 15 nghìn tỷ đồng thì phải so sánh với con số này, chứ không phải so sánh với mốc ước thực hiện của năm 2010. Mức thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ 2010 là 60 nghìn tỷ đồng. Nếu đúng như ông Hiền lập luận thì hóa ra, vốn trái phiếu chưa giảm được đồng nào?
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố cắt giảm 10 nghìn tỷ đồng vốn ứng trước cho các công trình của 2012 thì thực ra, ngay từ đầu năm, Quốc Hội không phê duyệt bất cứ một đồng nào cho khoản này.
Rất nhiều chuyên gia cảnh báo, muốn giảm tốc độ tăng CPI thì cần phải thắt chặt tài khóa mạnh mẽ hơn, nhưng xem ra, giữa lời hứa và con số vẫn còn khoảng cách khá xa.
Trong khi lạm phát chưa giảm mà lại nới rộng hơn mục tiêu phấn đấu thì mong muốn giảm lãi suất chưa biết bao giờ thành hiện thực. Và như vậy, bài toán “lạm phát - lãi suất” vẫn còn luẩn quẩn chưa tìm thấy lối ra.
---------------------------------------
Tác giả: Nguyễn Hoài // Theo Vneconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com